Sức khỏe

Chữa bệnh bằng “mẹo”: Biến chứng nặng nề

Đức Trân 05/12/2023 06:51

Dù đã được cảnh báo từ các chuyên gia y tế, nhưng một số người dân vẫn tin vào chữa bệnh bằng mẹo dân gian, hay các bài thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh nhân bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

anh-bai-chinh.jpg
Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân N.T.Ch. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Da liễu trung ương vừa thông tin, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau khi dùng các loại thuốc đông y để điều trị bệnh. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng sau khi dùng thuốc nam điều trị sỏi thận.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 60 tuổi bị sỏi thận đã uống thuốc nam điều trị bệnh. Sau dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương được chẩn đoán dị ứng thuốc và được chỉ định nhập viện điều trị.

Cùng với đó, bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhân nữ (55 tuổi), nhập viện vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, bị hạ bạch cầu và tăng men gan kèm theo nhiều vùng da đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa.

Trước khi nhập viện 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, viêm dạ dày. Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và được các bác sĩ điều trị tích cực tại bệnh viện, dùng các thuốc đặc hiệu. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn da của bệnh nhân khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Thông tin từ Bệnh viện K, bệnh nhân N.T.Ch. (54 tuổi, ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) xuất hiện những cơn co giật nửa người, kèm theo có những đợt rối loạn trí nhớ, không nhớ việc đang định làm, từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm đó, gia đình hoang mang, cho rằng bà Ch. bị “ma bắt”, nên đã mời thầy cúng đến trừ tà ma nhưng không khỏi.

Sau đó, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục kéo dài và có phần nặng thêm, không chịu đựng nổi, bà Ch. đã đến thăm khám tại Bệnh viện K. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối tổn thương vùng não thái dương trái là nguyên nhân gây co giật, giảm trí nhớ và giải thích để bệnh nhân cùng gia đình quyết định phẫu thuật.

Các bác sĩ Bệnh viện K đã tiến hành vi phẫu thuật lấy bỏ khối u, và ứng dụng ghi điện não đồ trong mổ để xác định vùng gây co giật (động kinh), nhằm cắt bỏ vùng gây động kinh cho người bệnh. Sau 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh, chức năng ngôn ngữ và trí nhớ được bảo vệ toàn bộ.

TS.BS Nguyễn Đức Liên - Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện K) lý giải: Ở người trưởng thành khi có biểu hiện co giật, cần chụp phim cộng hưởng từ sọ não để loại trừ các nguyên nhân ở não. Trường hợp của bệnh nhân Ch. được xác định co giật có nguyên nhân, và tổn thương còn khu trú rõ ràng, do vậy việc cắt bỏ toàn bộ khối u và vùng gây động kinh giúp người bệnh khỏi cơn động kinh. Kết quả sau mổ là khối u máu ở trong não lành tính, nên người bệnh không cần điều trị bổ trợ thêm, chỉ cần duy trì thuốc chống động kinh khoảng 1-2 năm.

Bệnh nhân Ch. được các chuyên gia y tế đánh giá là khá may mắn bởi khối u được xác định là lành tính, ca mổ diễn ra thành công. Tuy nhiên, trường hợp này cũng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người, bởi lẽ, tình trạng mê tín, tin vào phương pháp bài trừ tà ma, uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc với hy vọng khỏi bệnh là vấn đề mà rất nhiều các bác sĩ cùng các bệnh viện đã cảnh báo.

Các phương pháp chữa bệnh mê tín đều không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh mà còn tốn tiền, thời gian trong điều trị, thậm chí còn gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nặng tới bệnh lý của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng. Người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa bệnh bằng “mẹo”: Biến chứng nặng nề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO