Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, xu thế hiện nay, các lứa tuổi, không riêng gì ở tuổi thanh thiếu niên, trung niên, tuổi già… đều chịu nhiều áp lực vô hình trong cuộc sống. Với cách sống hiện đại cùng tốc độ cao, tình trạng trầm cảm và rối loạn hưng cảm đang có xu hướng tăng nhanh.
Tiếp theo chuyên đề "Càng "chữa lành" càng tổn thương" ở Tinh hoa Việt số 218, kỳ này chúng tôi trở lại chủ đề này. Thay vì chạy theo các dịch vụ chữa lành, thì cần hiểu “chữa lành” chính xác là sự tự chữa lành, kết nối với bên trong bản thể. Không ai có thể chữa lành cho mình trừ chính mình.
Từ nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý - Tâm thần Đông Nam Á năm 2018, các nước trong khối Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia là ba nước có tình trạng rối loạn trầm cảm cao nhất, chiếm 16 - 18%, theo thống kê mới nhất vào năm 2023 thì tỉ lệ ấy đã tăng lên 20 - 22%.
Một tuần gần đây, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách phải tiếp nhận 5 - 6 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần từ thể nhẹ cho đến hệ sâu. Lứa tuổi mà anh tiếp nhận từ 16 - 28 tuổi. Lứa tuổi con người khi tiếp nhận những rung sai sóng não bộ sẽ rơi vào năm 16 tuổi trở lên. Khi đó con người mới có thể cảm nhận những hành vi của mình để từ đó dẫn tới trầm cảm. Nhưng giờ đây, trẻ em từ 8 - 12 tuổi đã có những dấu hiệu của trầm cảm.
Với bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, từ thực tế trên, có thể thấy, cụm từ “chữa lành” chưa khi nào được sử dụng rộng khắp như ngày nay. Đó là thứ không thể thiếu khi áp lực của cuộc sống đè nặng lên tinh thần con người ngày một nặng nề. Nhưng vấn đề ở chỗ, ai thực sự là người cần được chữa lành? Chúng ta cần hiểu từ “chữa lành” chỉ áp dụng cho một số đối tượng cần đến nó.
Còn khi “chữa lành” trở thành trào lưu thì nó sẽ tạo cho con người một sự ỷ lại trong tư duy sống. Có nhiều người chưa kịp sang chấn tinh thần, chỉ là gặp một áp lực nhỏ trong cuộc sống, con người có thể vượt qua dễ dàng, nhẹ nhàng thì họ lại có tư duy tìm cách chữa lành. Thực chất, chữa lành chỉ dành cho 4 đối tượng: Đối tượng đầu tiên, là những người gặp sang chấn từ tuổi ấu thơ và không xử lý được sang chấn ấy làm nó biến chuyển thành ám ảnh. Thứ hai là những người gặp sang chấn tức thời, như chuyện đổ vỡ hôn nhân, chia ly vợ chồng, mất người thân, suy sụp kinh tế… Đối tượng thứ ba là những người đã có bệnh lý hay trạng thức cũ của tâm lý như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn cảm xúc, sau đó gặp thêm một số chuyện tiêu cực khác dồn nén vào, dẫn tới việc họ bị rối loạn trầm cảm, lúc đó mới cần phải nói đi “chữa lành”. Đối tượng thứ tư là những người từ 65 tuổi trở lên, bị sang chấn do nghỉ hưu, gia đình không ổn định, khác biệt với tư tưởng suy nghĩ của con cái… làm thân tâm của họ không cảm thấy thoải mái thì cần đi chữa lành.
Còn hiện nay, nhiều người cứ hơi chút lại nói đến từ “chữa lành” theo xu hướng, thì họ đang bị ỷ lại vào các phương pháp làm sao để cho họ cảm thấy an yên nhất, nhưng đó là cách làm cho các bạn lười đi trong vận động hành lang tự bảo vệ thân tâm. Các bạn tự làm yếu bên trong, không còn sức để vượt qua áp lực cuộc sống nữa và rất dễ gục ngã từ những trở ngại rất nhỏ.
Với một người làm chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách không ủng hộ việc những bạn trẻ khi chưa cần chữa lành mà liên tục sử dụng từ chữa lành và tìm cách chữa lành.
Thực ra, để có được một cơ sở có thể chữa lành, bản thân người nhận trách nhiệm chữa lành phải có bằng cấp, phải có trải nghiệm, phải có sự quản chế của nhà nước về việc dựa vào gì để chữa lành. Quan trọng nữa, là những người đến chữa lành ở cấp độ nào. Nhiều người nhầm giữa việc chữa lành với an thân tâm.
Đến một nhóm hội để sinh hoạt chung một cách vui vẻ, tìm ra phương thức sống phù hợp cho mình, nhằm cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn thì đấy không phải chữa lành. Con người chỉ có thể an thâm tâm bằng cách phát triển sức mạnh nội sinh bên trong mình.
Thời gian này, những người có các trạng thức dẫn tới những hành vi tiêu cực như sát thân, tự hủy hoại bản thân, làm đau bản thân… đang có xu hướng tăng cao. Trẻ em bị áp lực về học tập, người lớn chịu áp lực về tài chính hay áp lực về khẳng định bản thân, tranh đấu… giữa xã hội đang biến động mạnh mẽ. Khi nhu cầu hay mưu cầu càng tăng cao thì áp lực cũng sẽ tăng cao theo, chắc chắn các rối loạn về tâm lý, bệnh lý tâm thần, đặc biệt trong đó có thứ mà con người dễ mắc nhất đó là trầm cảm.
Trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách khuyến khích mọi người nên đặt cho bản thân những mục tiêu tích cực phù hợp, chọn cách sống cống hiến có ý nghĩa, quay trở về với thiên nhiên, cũng là một cách tốt để tự điều trị những vấn đề rối loạn tâm lý. Mọi người cần biết cống hiến cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Khi họ biết nghĩ rằng khi bản thân mình được sinh ra, được chăm sóc nuôi nấng của cha mẹ… thì họ nợ cuộc sống này, từ đó, bằng cách nào đó sẽ cống hiến cho xã hội bằng việc cụ thể, nhỏ như đưa một người già sang đường, nhặt một mảnh rác, giúp đỡ một em bé, đồng nghiệp đang gặp chuyện khó khăn mà bản thân mình có thể chia sẻ… thì đó là một cách sống tạo ra sự an lành lớn lao.
Vì khi bản thân sống có ích, con người sẽ cảm thấy mình được cho đi, và chính sự cho đi giải phóng nguồn năng lượng tiêu cực trong họ. Tìm về thiên nhiên thì cũng rất đơn giản, bắt đầu từ việc chăm sóc một cây xanh, để từ đó cảm ngẫu được việc tại sao cây có thể sống, dù trong môi trường tù túng mà cây đó vẫn tươi xanh, vẫn có ích, từ đó bản thân cũng sẽ dần có ý thức hòa mình hơn vào trong cuộc sống, cảm nhận cuộc sống, thay vì bực dọc vì những gì bất như ý từ cuộc sống mang lại, từ đó thân tâm của con người cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nếu thấy bản thân đang có những suy nghĩ tiêu cực, có thể đi ra ngoài trời hít thở không khí trong lành, hoặc tới ngoại ô hòa mình vào cảnh vật, thậm chí có thể đứng trước một cái cây trò chuyện… đó là lúc bản thân mình được có dịp tự vấn, nhìn nhận lại những vẫn đề đang khúc mắc, đối diện với chúng.