Khi các ca mắc mới Covid-19 trên toàn thế giới đang bắt đầu có xu hướng giảm, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác đang xem hộ chiếu vaccine như một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tự do đi lại toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại khi WHO và Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới - đưa ra khuyến cáo và chưa tính đến giải pháp này.
Tin tưởng
Đầu tuần qua, Trung Quốc - tâm dịch đầu tiên của thế giới - vừa trở thành quốc gia mới nhất phát hành hộ chiếu vaccine. Chứng nhận kỹ thuật số, hiển thị tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm Covid-19, cho công dân Trung Quốc thông qua nền tảng mạng xã hội WeChat, bắt đầu hoạt động từ ngày 8/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chứng nhận được triển khai “để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại qua biên giới”. Tuy nhiên, loại hộ chiếu vaccine này hiện chỉ được cấp cho công dân Trung Quốc và cũng chưa phải là yêu cầu bắt buộc.
Trước đó, một quốc gia khác ở châu Á cũng công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine là Thái Lan. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết, nước này sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người dân đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để họ có thể ra nước ngoài nếu muốn. Thái Lan cũng có kế hoạch giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm chủng từ 14 ngày xuống 7 ngày. Đề xuất dự kiến được một ủy ban quốc gia thông qua vào cuối tháng này.
Cùng với đó, EU xác nhận, đang thảo luận về “thẻ xanh kỹ thuật số” để cho phép những người đã tiêm chủng có thể đi lại dễ dàng hơn giữa các nước. Theo Euronews, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến công bố dự thảo về quy định mới vào ngày 17/3. Lãnh đạo EU cho rằng sẽ mất 3 tháng để quy định này chính thức có hiệu lực.
Chính phủ Anh được cho là đang xem xét những ưu, nhược điểm của hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, dù ban đầu phản đối ý tưởng này.
“Hộ chiếu vaccine” hay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 đã trở thành đề tài được thảo luận ở nhiều nơi trên thế giới, khi nhiều quốc gia muốn mở cửa với thế giới sau thời gian dài áp dụng các biện pháp hạn chế quốc tế ngăn đại dịch. Thẻ Y tế kỹ thuật số, ứng dụng do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) phát triển, sẽ được phát hành trong vòng vài tuần, theo các nhà phát triển. Công nghệ này cho phép hành khách đi máy bay có thể chứng minh tình trạng tiêm vaccine trước khi du lịch.
Tuy nhiên, một số quốc gia hiện đã có quy định về hộ chiếu vaccine của riêng mình. Đảo quốc Seychelles đã thông báo mở cửa đón khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine và đã trải qua hơn hai tuần kể từ khi tiêm mũi cuối cùng. Quy định về giấy chứng nhận tiêm chủng cũng được một số quốc gia đưa ra, gồm Estonia, Gruzia, Hungary và Romania.
Một số quốc gia khác đang lên kế hoạch áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới. Hành khách có giấy chứng nhận tiêm vaccine có thể đến Hy Lạp sớm nhất vào tháng 5, theo kế hoạch đang được thảo luận ở Athens. Hy Lạp đã có thỏa thuận “bong bóng vaccine” với Israel và Cộng hòa Cyprus, cho phép người đã tiêm chủng có thể đi lại giữa ba nước mà không cần cách ly.
Chưa vội triển khai
Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng hộ chiếu vaccine, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn thì một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.
Trong bối cảnh vẫn đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với 29.793.353 ca nhiễm và 540.282 ca tử vong do Covid-19, Mỹ đã có quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế với những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, cho phép họ tụ tập theo nhóm ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang.
Các hãng hàng không và doanh nghiệp hàng đầu cũng đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phát triển giấy chứng nhận tạm thời cho phép hành khách có thể chứng minh đã được xét nghiệm và tiêm chủng vaccine Covid-19, nhằm giúp hồi sinh ngành du lịch.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại về kế hoạch cấp giấy chứng nhận tiêm chủng ồ ạt tại nhiều khu vực có thể gây ra nhầm lẫn hoặc không được chấp nhận rộng rãi.
Cùng với đó, khi được hỏi về việc các đơn vị tư nhân đang thảo luận khái niệm “hộ chiếu vaccine”, cho phép người Mỹ chứng minh họ đã được tiêm chủng Covid-19 trước khi di chuyển, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Chính phủ hiện chỉ tập trung vào nỗ lực tiêm chủng.
“Chúng tôi nhận thức được rằng khi ngày càng có nhiều người dân Mỹ được tiêm chủng, mọi người sẽ đặt câu hỏi về việc làm thế nào họ có thể chứng minh mình đã tiêm vaccine... Hiện tại, trọng tâm của Chính phủ Mỹ vẫn là tiêm vaccine cho nhiều người hơn nữa. Chúng tôi sẽ nghĩ về cách giúp mọi người chứng minh khi chúng tôi đã thúc đẩy được nhiều người tiêm chủng hơn”- bà Jen Psaki nói hôm 9/3.
Khi được hỏi liệu chính quyền có muốn tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn hay không, bà Jen Psaki đáp: “Có rất nhiều ý tưởng sẽ được đề xuất từ khu vực tư nhân, phi lợi nhuận. Chúng tôi hoan nghênh tất cả, nhưng mối quan tâm mà chính quyền liên bang hướng tới lúc này chỉ là tiêm chủng thêm cho thật nhiều người, và đó là thứ mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng nguồn lực của mình một cách tốt nhất”.
Hơn thế nữa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 8/3 cũng tiếp tục khẳng định không khuyến nghị việc yêu cầu sử dụng “hộ chiếu vaccine” cho các hoạt động đi lại.
Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: “Vào thời điểm hiện nay, việc sử dụng hộ chiếu vaccine như một yêu cầu đi lại không được khuyến khích. Lý do rất đơn giản là vaccine hiện không đủ nguồn cung cho thế giới và chắc chắn nó cũng không được phân bổ trên cơ sở công bằng”.
Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu hộ chiếu vaccine sớm được phát hành, các nước giàu lại là các nước chiếm ưu thế hơn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế; trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải vật lộn để có được nguồn cung vaccine do bất bình đẳng trong cơ chế phân phối và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau.
Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto ngày 9/3 cho biết, nước này có thể mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế vào mùa Xuân, nếu 30-40% dân số đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh Canal Sur, Bộ trưởng Maroto cho biết sau khi hoàn tất mục tiêu tiêm chủng, Tây Ban Nha “sẽ tiến hành mở lại các điểm du lịch, phù hợp với những diễn biến tại Liên minh châu Âu (EU)”.