Dù ở bất cứ nơi đâu, cộng đồng người Việt đều có nhu cầu tâm linh. Đi lễ chùa, không chỉ là đến với những thanh tịnh, an lành nơi cửa Phật, mà cũng là trở về nguồn cội, nơi “mái chùa che chở hồn dân tộc”.
Do mối quan hệ đặc biệt gắn bó giữa hai đất nước mà ở Lào, có đến hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ. Trong đó, có những ngôi chùa có tuổi đời đến 70-80 năm. Tại đây, các nhà sư trụ trì chùa thường tổ chức các hoạt động tôn giáo; quy tụ tăng ni, phật tử hướng về đất nước và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
1. Những người Việt mới đến Lào, hoặc sang du lịch ở xứ sở Triệu Voi thường tỏ ra khá ngạc nhiên khi ở thủ đô Viêng Chăn có một ngôi chùa Việt mang tên Bàng Long, nằm ở quận Chăn Tha Buly. Đó là một ngôi chùa lớn, với không gian gợi lại cảm giác quê nhà, trên một diện tích rộng tới 5.000 m2. Thông thường, tên chùa Việt thường gắn với những giáo lý, những yếu tố văn hoá của đạo Phật như về sự từ bi, về hoa sen, về sự nhiệm màu của Phật pháp… Nhưng cái tên tương tự như Bàng Long là rất hiếm gặp.
Theo những phật tử Việt Nam ở Lào, đây chính là ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở đây. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1942, đến năm 1945 thì khánh thành, chính thức trở thành nơi tu thành, nơi chiêm bái, lễ Phật của người Việt. Tên chùa “Bàng Long” được ghép từ hai chữ Bàng, chính là về họ Hồng Bàng, còn Long, lấy từ tên của Lạc Long Quân, thuỷ tổ nước ta. Bàng Long, chính là cái tên nhắc nhở về nguồn cội.
Đại đức Thích Minh Quang, quản lý Phật sự chùa Bàng Long chia sẻ: “Cộng đồng người Việt xưa, cũng như các thầy chọn cái tên Bàng Long với ý nghĩa “ly hương không ly tổ”. Đây là ý nghĩa rất quan trọng mà người Việt ở Lào tiếp tục giữ gìn. Ngày xưa, khi chưa có nhiều chùa Việt ở Lào, ngôi chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt trên cả nước. Tất cả các chùa Thượng, Trung, Hạ Lào cũng đều quy tụ về đây để thực hiện đời sống tâm linh của mình và tu học Phật pháp. Cộng đồng Phật tử tại đây luôn nêu cao giá trị dân tộc Việt trong sự hài hoà với tinh thần Phật giáo, nhất là sự đoàn kết, sẻ chia và yêu thương”.
Kiến trúc và trang trí chùa Bàng Long thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt - Lào. Ở các đầu góc mái chùa, đều được đắp hình rồng - mây. Hình tượng rồng được trang trí linh hoạt trong các cây cột, trần của chính điện cũng như các hạng mục khác, khiến cho bất kỳ người Việt nào cũng có cảm giác thân quen. Trước sân chùa có một tháp xá lợi, với đế vuông, màu vàng mang đặc trưng phong cách Phật giáo Lào.
Ông Nguyễn Ngọc Lễ, phật tử thường đến chùa Bàng Long cho biết: “Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con, mà còn là cộng đồng thương yêu, giúp đỡ, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Chùa Bàng Long còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng người Việt cũng như người Lào bản xứ. Qua đó, vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào”.
Chùa Bàng Long còn là nơi tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở Lào; đồng thời, dạy tiếng Lào cho cộng đồng người Việt, giúp kiều bào ta hội nhập tốt hơn với văn hóa - xã hội người bản xứ. Các lớp học được Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng Hội người Việt Nam tại Lào trực tiếp hỗ trợ. Nhà chùa tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có thể tham gia lớp học, chỉ bằng cách đăng ký trên fanpage của nhà chùa là được tham gia lớp học miễn phí.
2. Chùa Phật Tích nằm ngay trên đại lộ Noong Bon ở thủ đô Viêng Chăn cũng là một niềm tự hào của người Việt. Đến chùa Phật Tích, từ xa, người ta đã thấy vươn lên một tòa tháp 7 tầng. Tòa tháp được thiết kế theo kiến trúc người Việt, với những đầu đao cong vút, mái ngói đỏ nâu. Bước đến gần hơn, là một cảm giác ấm áp lạ thường, khi những cây cột, những cánh cửa gỗ đều mang màu nâu trầm gần gũi. Bên trong gian Đại hung bảo điện, hay ở các cây cột, đều có những bức hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng. Mỗi tầng tháp được đặt trang trọng một bức tượng Phật ngự trên đài hoa sen bình yên. Ở mỗi mái đao của tầng tháp là hình tượng tứ linh: long, lân, quy, phượng. Chất Việt thấm đẫm trong từng đường nét trang trí, nhưng sự giao thoa văn hoá cũng thể hiện rõ nét. Trên tòa tháp 7 tầng có biểu tượng 7 tòa tháp nhỏ, tượng trưng cho những tháp hoa phật tử Lào thường đem đến lễ chùa.
Về nguồn gốc, chùa Phật Tích cũng ra đời được khoảng 50 năm. Nhưng quá trình trùng tu lớn, đem đến cho chùa diện mạo như hôm nay mới được triển khai từ từ năm 2008, đến năm 2010 được khánh thành. Hầu hết tượng Phật, chuông chùa, trống và nhiều đồ trang trí đều được thợ Việt trực tiếp sang chùa thi công, hoặc làm từ Việt Nam và vận chuyển sang. Hiện nay, chùa Phật Tích không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc của đông đảo người con đất Việt xa xứ trên đất nước Triệu Voi, mà còn là nơi đoàn kết bà con cùng hướng về Tổ quốc thân yêu.
Sư trụ trì và phật tử chùa Phật Tích cũng luôn tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Dịp tết Thượng Nguyên vừa qua chùa Phật Tích cùng các nhà hảo tâm đã trao tặng 150 phần quà tổng trị giá khoảng 60 triệu đồng cho bà con Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ và động viên bà con trong cuộc sống nhân dịp đầu năm mới. Mỗi dịp tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, cũng là dịp đồng bào hội họp, nhắc nhở về truyền thống dân tộc.
Chị Lê Hải Yến - kiều bào tại Lào, chia sẻ: “Tôi đã sống và làm việc tại Lào 30 năm. Cứ đến ngày tết, ngày lễ đặc biệt là ngày Rằm tháng Giêng, tôi cùng các con đến chùa Phật tích làm lễ cầu an cho gia đình và mọi người. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mình”.
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu thờ phụng, các hoạt động văn hóa tâm linh của bà con tăng ni, phật tử tại thủ đô Viêng Chăn nói riêng, tại Lào nói chung, chùa Phật Tích đã được Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane tạo điều kiện hỗ trợ, mở rộng diện tích để xây dựng Khu tưởng niệm lãnh tụ và các chiến sĩ cách mạng Lào-Việt Nam. Đầu năm 2022, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, nhà chùa đã tổ chức quyên góp để xây dựng Khu tưởng niệm. Đây sẽ là nơi nhân dân Việt Nam cũng như Lào có thể tưởng nhớ đến những vị lãnh tụ kính yêu của 2 đất nước cũng như tưởng nhớ công ơn của các Anh hùng, liệt sĩ Lào và Việt Nam đã hy sinh.
3. Cho đến nay, trên khắp đất nước Triệu Voi đã có 13 ngôi chùa phật giáo của người Việt được hình thành. Riêng Thủ đô Viêng Chăn có bốn ngôi chùa. Ngoài Phật Tích, Bàng Long, còn có chùa Đại Nguyên, Tịnh xá Ngọc Tâm nằm ở khu vực ngoại ô.
Trong đó Tịnh xá Ngọc Tâm có diện tích lên đến 7.000 m2. Như một phong tục không thể không có. Cộng đồng người Việt quần cư ở đâu với số lượng lớn, là chùa Việt lại ra đời. Có thể kể ra những cái tên như chùa Bảo Quang, chùa Diệu Giác ở Savannakhet; chùa Long Vân, chùa Trang Nghiêm ở Pak Sế, Champasak... Vượt xa khỏi khuôn khổ của những trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đó là nơi sinh hoạt cộng đồng, là cầu nối để những người Việt Nam tại Lào luôn hướng về quê hương Tổ quốc, gắn kết tình hữu nghị cộng đồng giữa Việt Nam và Lào.
Hòa thượng Thích Mãn Giác từng có những câu thơ đi vào lòng người. Đó là: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Càng ở nơi xa xứ, càng thấm thía điều ấy. Thấy mái chùa Việt, đến với mái chùa Việt, như là về với cội nguồn, về với bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam vậy.