Sau vài ngày rong ruổi trên những con đường bụi đỏ, đầy rẫy ổ gà ổ trâu, khá mệt vì không quen với các món ăn đậm hương vị masala, bạn sẽ thấy ấm lòng thế nào khi bước qua cổng ngôi chùa mang đậm tâm thế Việt Nam ở địa danh Bồ đề Đạo tràng nổi tiếng của Ấn Độ. Việt Nam Phật Quốc tự khiến lòng mỗi người chùng xuống, người Việt Nam đi đâu thì vẫn có Tổ quốc thật gần, miễn là mang theo Tổ quốc ở trong tim.
Ngôi chùa mang đậm tâm thế Việt Nam.
Nói Bồ đề Đạo tràng là nói tới chùa Mahabodhi – tức chùa Đại giác ngộ với tháp Đại giác, cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo – một trong những thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo. Nhưng ngoài ra ở đây bây giờ giống như “Liên hiệp quốc... chùa. Dễ dàng nhìn thấy trong một vùng đất rộng rãi những ngôi chùa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanma, Đài Loan (Trung Quốc), Srilanka, Bhutan, Nepal...
Ngay cả chùa Việt Nam hiện cũng đã có tới mấy ngôi chùa được dựng lên ở vùng đất thiêng này. Nhưng nhắc đến chùa Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được xây dựng ở Bồ Đề Đạo tràng bằng tâm nguyện và công sức của nhà sư Thích Huyền Diệu – người từng đỗ học vị tiến sĩ ở Đại học Sorbonne của Pháp, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Phật giáo Quốc tế.
Từ Bồ Đề Đạo tràng đi tầm 2 cây số thì tới. Ngay từ bước chân đầu tiên khi lọt vào con đường dẫn vào chùa, cảm xúc của bạn dâng lên, không thể nào khác ngoài 2 chữ Việt Nam. Một hương vị Việt Nam rõ rệt trong từng gốc cây, ngọn cỏ khắp khoảng hai hecta diện tích mà ngôi chùa tọa lạc. Cũng cây cao bóng mát, cũng chim hót líu lo, cũng đủ các cây ăn trái quê nhà như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài, ổi… và nhiều loại hoa được mang giống từ Việt Nam sang như đào, mai vàng, mai chiếu thuỷ, lan, sứ, thiên lý...
Rồi sau đó, bước từng bậc thang dẫn lên chính điện, cảm giác như được trở về nhà, với những mái ngói cong cong, những họa tiết hoa văn Mai Lan Trúc Cúc, Long Lân Quy Phụng… Nghe nói rằng chùa Việt Nam nhỏ hơn chùa các nước khác nhưng lại cao nhất Bồ Đề Đạo Tràng. Có lần tôi đọc ở đâu đó thầy Huyền Diệu đã giải thích về điều này: “Ngày đầu xây chùa, tôi chỉ có lòng thành và sự giúp đỡ của các Phật tử trên thế giới mà thôi. Với tôi, khi hình thành thiết kế tổng quan cho ngôi chùa này, tôi quan niệm là không nên bắt chước một ai, phải có điểm riêng độc đáo của người Việt Nam mình, phải mang cả phong cách, tính cách, khát vọng của đất nước Việt Nam. Dân tộc mình có lịch sử 4.000 năm, có quá trình phát triển Phật giáo lâu đời. Đã đến lúc mình phải vươn vai đứng dậy cho bằng người ta chứ!”.
Lần này đến Việt Nam Phật Quốc tự, chúng tôi không có duyên gặp được thầy Huyền Diệu. Hôm chúng tôi sang Ấn Độ cùng đoàn du khách đầu tiên của Gotadi bay thẳng Hà Nội – Kolkata bằng chuyến khai trương đường bay của Indigo thăm quan “Tứ động tâm”, thầy Huyền Diệu lại đang về Việt Nam. Tiếp chúng tôi là thượng toạ Thích Huệ Phước - người đang trông coi Việt Nam Phật Quốc tự thay thầy Huyền Diệu. Tuổi cũng đã cao, nhưng ánh mắt tinh anh, giọng thầy Huệ Phước sang sảng trong ngôi chính điện. Thượng toạ nói về lòng từ bi, về sự hiếu thảo, về cái thiện và cái ác. Chúng tôi cùng thầy đọc một bài pháp của Đức Phật, thấy lòng dịu đi, an yên. Bên ngoài khu vườn ráng chiều đã bắt đầu buông xuống, bỗng tưởng như đang ở buổi hoàng hôn quê nhà…
Tận mắt nhìn thấy những dấu ấn Việt Nam mà thầy Huyền Diệu gây dựng ở nơi này, để hiểu rằng đó đều là những câu chuyện có thật, không phải là những giai thoại được dệt lên. Như lúc bước vào, nhìn tấm bản đồ Việt Nam đắp nổi bằng xi măng trên tường ngay tại cổng chào, lại nhớ trước khi đến đây đã đọc để biết được chi tiết này và lời thầy Huyền Diệu giải thích: “Trong trăm ngàn chúng sinh đến chiêm bái đất Phật này, biết đâu có những người mù lòa, khiếm thị. Họ chỉ cần sờ tấm bản đồ để xác định là đã đến chùa Việt Nam”.
Chúng tôi bước ra ngoài khu chính điện, ngồi trên một ghế đá ở góc vườn, hương thơm ngào ngạt từ các loại hoa trái. Hình dung lại câu chuyện vài chục năm về trước, thầy Huyền Diệu đi hành hương sang Bồ Đề Đạo tràng, nhìn thấy các nước khác đều có chùa ở đó, thầy đã nguyện dưới gốc cây bồ đề thiêng rằng, sẽ phải xây bằng được một ngôi chùa Việt Nam tại đây. Những ngày đầu tiên, thầy tạm trú trong ngôi chùa của Myanmar. Bằng số tiền đi khắp nơi trên thế giới dạy học dành dụm được, cộng với tiền quyên góp của các Phật tử Việt Nam ở các nước, thầy bắt đầu mua đất và vật liệu xây dựng. Tháng 5/1987, thầy Huyền Diệu bắt đầu tiến hành xây dựng, Việt Nam Phật Quốc Tự hoàn thành vào ngày 12/1/2003. Lý giải về tên chùa, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho biết: “Việt Nam Phật Quốc Tự có ý nghĩa là đặt Tổ quốc lên trên hết”.
Hôm nay đến Việt Nam Phật Quốc tự, không ai còn phải nghi ngờ tâm nguyện ấy. Đặt Tổ quốc lên trên hết thảy không phải chỉ bằng hình bản đồ Tổ quốc đắp nổi trên tường ngay ở cổng vào, không phải chỉ ở kiến trúc ngôi chùa hai mái cong vươn cao như đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy, mọi người nói rằng ngay cả kiến trúc của ngôi chính điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam…
Chính điện của Việt Nam Phật Quốc tự có chu vi 64 m2, chiều cao 24 m, gồm 3 tầng. Tầng trệt là pháp xá có thể dung chứa cho khoảng 30 vị khách tăng. Tầng thứ 2 dùng để trưng bày. Tầng thứ 3 là nơi tôn thờ Đức Phật Thích Ca và chư vị Bồ tát. Thượng toạ Thích Huệ Phước nói rằng cái đặc biệt nhất của ngôi chùa này là bàn thờ tổ tiên người Việt phía sau chính điện, ở khu vực tưởng niệm liệt tổ liệt tông, có cả ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng.
Ở trong ngôi chùa này, không phải chỉ các bậc tu hành thực hành kinh pháp bằng tiếng Việt, mà chúng tôi còn đọc được ở đây các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa đều dùng chữ Việt. Vào thời điểm chùa đang xây dựng, một số thân hữu trong các tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc muốn tặng chùa Việt Nam quả Đại Hồng Chung, thế nhưng thầy Huyền Diệu đã từ chối. Trong suy nghĩ của ông, chiếc chuông của ngôi chùa Việt Nam phải được đúc từ Việt Nam, bằng đồng của Việt Nam và do chính những người thợ Việt Nam thực hiện mới linh thiêng và có ý nghĩa. Đại Hồng Chung ở Việt Nam Phật Quốc tự hôm nay nặng 2,5 tấn, đường kính 1,5m, chiều cao 3m được thiền sư Huyền Diệu đặt làm từ những người thợ gốc Phường Đúc ở Huế. Nghe nói ngay cả các tượng Phật trong chùa cũng do thầy Huyền Diệu đặt từ TP.HCM rồi đưa sang.
Thượng toạ Thích Huệ Phước tiễn chúng tôi ra cửa, với lời cầu chúc riêng cho mỗi người được ghi trên một mảnh giấy. Nhìn lại ngôi chùa mang tinh thần Việt Nam ở giữa không gian này không khỏi không nghĩ về gần 20 năm trời đằng đẵng nó được thiết kế và xây dựng bởi người Việt Nam, bởi một tâm nguyện người Việt luôn đặt Tổ quốc ở trong tim.
Rời Bồ Đề Đạo tràng ngày hôm sau, xẩm tối chúng tôi lại đặt chân lên một ngôi chùa khác cùng tên cũng được thiền sư Huyền Diệu phát nguyện xây dựng lên, chỉ khác ở chỗ nó ở Lâm Tỳ Ni trên đất nước Nepal – nơi Đức Phật ra đời. Ở đây bản đồ Tổ quốc cũng được đắp nổi, rất lớn trên một hồ nước. Ở đây hồng hạc Himalaya vẫn bay về. Nghe bảo lúc thầy Huyền Diệu xây chùa, Lâm Tỳ Ni còn hoang sơ vắng vẻ, nghĩ rằng chỉ một ngôi chùa Việt Nam chưa đủ, thầy đã vận động các giáo hội Phật giáo từ nhiều quốc gia khác đến xây chùa để Lâm Tỳ Ni nhanh chóng phát triển đúng với tầm cỡ là khu thánh tích của một tôn giáo lớn. Tính đến nay đã có 22 ngôi chùa quốc tế khác mọc lên tại đây.
Chúng tôi rời chùa Việt Nam Phật Quốc tự ở Lâm Tỳ Ni vào lúc trời đã tối muộn, trên đường về chỗ ở bằng một kiểu xe tuk tuk, trời tối đến mức không nhìn thấy gì, thế mà vẫn thấy ánh lên kiêu hãnh tấm bản đồ Việt Nam bằng xi măng, bên cạnh là chùa Một Cột… Ở vùng đất xa xôi ấy vẫn ấm áp hình ảnh thân thương của văn hóa và nguồn cội Việt Nam.