Sáng 14/5, Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 đã diễn ra. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định cần chuẩn bị chu đáo tất cả các khâu, tuyệt đối không được chủ quan. Đồng thời, khâu kiểm tra, thanh tra phải được coi trọng, là khâu không thể thiếu được trong tất cả các quy trình.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến sáng 14/5.
5 nhóm việc cần làm
Tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cần phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo trước, trong và sau Kỳ thi trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường phối hợp trong phân công nhiệm vụ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm để thống nhất trong chỉ đạo tổ chức và thanh kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong tổ chức kỳ thi.
Thứ hai, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi. Bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi tại địa phương. Huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng, có trách nhiệm cao tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia. Lưu ý, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự kỳ thi tại địa phương.
Đối với việc chỉ đạo, kiểm tra hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập cho học sinh, ông Trinh nhấn mạnh các cơ sở giáo dục không được cắt xén chương trình. Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ; cần sử dụng bộ đề thi chính thức các năm trước và bộ đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GDĐT công bố để tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
Thứ tư, cần tăng cường truyền thông về thi và tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi. Trong đó, liên hệ chặt chẽ với các trường ĐH, CĐ liên quan để bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia Kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế, nhất là tham gia các Ban Chấm thi trắc nghiệm; kết hợp và hỗ trợ công tác quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ cho những người được cử tham gia.
Sẵn sàng cho kỳ thi
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, đến thời điểm này Sở đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra 111 điểm thi. Ngoài chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, đảm bảo an toàn điểm thi, Sở GDĐT cũng quan tâm đến công tác truyền thông; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lên phương án hỗ trợ thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.
Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 đã được thành lập. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các trường ĐH quán triệt Quy chế đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt những người tham gia coi thi, chấm thi để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi; giám sát chặt chẽ chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi...
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, TP đã ban hành các văn bản hướng dẫn, in sao đề thi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi; làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi; chỉ đạo, kiểm tra hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập cho học sinh...
Năm 2019, Sở GDĐT Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức in sao đề thi. Phòng bảo quản bài thi, đề thi được đặt tại một phòng riêng, đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng thi 24/24h, có bộ lưu điện dự phòng. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại cụm thi Hà Nội lên đến gần 9.000 người, trong đó số lượng cán bộ của Sở GDĐT là hơn 5.000 người, gần 3.600 cán bộ của trường ĐH tham gia phối hợp…
Một số địa phương khác như Hà Giang, Hòa Bình… cũng cho biết đã thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 và giao nhiệm vụ đến từng thành viên, trong đó đặc biệt lựa chọn nhân sự tham gia công tác thi một cách cẩn trọng, tuyệt đối không đưa vào Ban Chỉ đạo những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018…
Chọn người phải đáp ứng chuyên môn và đạo đức
Giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại bài học kinh nghiệm từ năm 2018 và cho rằng, chỉ cần một địa phương sai sót, xảy ra tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng tới toàn quốc. Vì vậy, năm nay, Ban Chỉ đạo kỳ thi đã chuẩn bị rất kỹ nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Cùng với đó, ông Nhạ cũng lưu ý các địa phương trong lựa chọn nhân sự tham gia thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức.
Yêu cầu các thành viên trong ban chỉ đạo các tỉnh cần phải túc trực công việc trong suốt quá trình thi và chấm thi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2018, khi kiểm tra, có những tỉnh Trưởng ban chỉ đạo tỉnh đi công tác trong thời gian này. Đối với các trường ĐH, CĐ, bà Phụng lưu ý cần cử đủ cán bộ đáp ứng yêu cầu quân số. Các trường nào không bố trí đủ thì đề nghị các tỉnh báo cáo về ban chỉ đạo quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu cán bộ coi thi, chấm thi như năm 2018.
2 số điện thoại xử lý thông tin “nóng” Bộ GDĐT công bố số điện thoại trực thanh tra thi là: 024.36231285 và 0923.006.757 để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. |