Xã hội

Chuẩn bị khởi công cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng

Hoàng An 02/05/2024 20:00

TP Hà Nội đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

anh-bai-tren.jpeg
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: BQLDA Giao thông Hà Nội.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, cầu Trần Hưng Đạo được thi công trong giai đoạn từ năm 2025 - 2027, cơ bản hoàn thành trong năm 2027. Cụ thể, điểm đầu dự án tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông; điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh). Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.

Các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7 - 9m. Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: Nút giao phía quận Hoàn Kiếm (giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo), nút giao với đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông - chủ đầu tư) đánh giá, cầu Trần Hưng Đạo có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối hai bờ sông Hồng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...

Theo phương án kiến trúc được phê duyệt, cầu Trần Hưng Đạo trong tương lai sẽ là biểu tượng mới của trung tâm Hà Nội, với kết cấu vòm chính là 2 đường cong tiếp xúc nhau lặp lại 6 nhịp tạo hình tượng vô cực.

TS Phan Lê Bình - Phó trưởng đại diện văn phòng Công ty tư vấn OCG (Nhật Bản) đánh giá cao việc Hà Nội có phương án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo ông Bình, sông Hồng là con sông vừa mang giá trị lớn về cảnh quan cho thành phố, vừa kết nối hai bên bờ sông để phát triển kinh tế. Xây thêm một cầu ở vị trí đường Trần Hưng Đạo bắc sang Long Biên, sẽ cho người dân sống ở hai bờ sông một lựa chọn về tuyến đường để qua sông. Sẽ có những người trước đây bắt buộc phải chọn cầu Chương Dương, nhưng khi xuất hiện cầu Trần Hưng Đạo, tuyến đường của họ sẽ tiện lợi hơn, khi đó chắc chắn họ sẽ lựa chọn cầu mới, từ đó giảm đáng kể áp lực giao thông lên cầu Chương Dương.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia quy hoạch đô thị - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cầu có vị trí rất quan trọng vì góp phần kết nối hai bờ tả và hữu của Hà Nội, đồng thời nâng cấp hạ tầng giao thông Thủ đô theo hướng hiện đại để phát triển.

Cụ thể, cây cầu sẽ giảm áp lực giao thông đáng kể cho nhiều cây cầu khác của thành phố. Làm cho việc phát triển khu vực phía Đông thành phố tốt lên cùng với cầu Vĩnh Tuy 1, Vĩnh Tuy 2, góp phần phát triển các khu đô thị phía bên kia sông Hồng. Đồng thời tạo đà để phát triển thành phố hai bờ sông Hồng theo quy hoạch chung của Hà Nội.

Tuy nhiên, về mặt quy hoạch đô thị, ông Tùng băn khoăn về việc cần đánh giá và tính toán thật kỹ khu vực từ ngã 5 đường dẫn Trần Hưng Đạo. Bởi nếu không sẽ phá hỏng không gian của các khu “phố cũ” như Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, một số khu vực có nhiều biệt thự cũ, nhà cổ kiến trúc Pháp để lại với cảnh quan đẹp, mang nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử...

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, Hà Nội đã nhiều lần quy hoạch để “vượt” sông Hồng, tạo điều kiện phát triển phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Ý nghĩa của cầu Trần Hưng Đạo nhằm tạo kết nối giữa nội đô lịch sử TP Hà Nội với khu vực phát triển đầu tiên của đô thị đầu tiên vượt qua sông Hồng, trước mắt để tạo điều kiện kết nối với sân bay Gia Lâm. Do đó, cây cầu có ý nghĩa về cả văn hóa, giao thông và đồng thời khai thác yếu tố truyền thống…

“Mỗi cây cầu của thành phố đều mang những ý nghĩa nhất định, trong từng thời kỳ lịch sử. Vấn đề cần quan tâm của cầu Trần Hưng Đạo không phải chỉ là giao thông mà còn là biểu tượng văn hoá của Hà Nội. Sau khi cầu được xây dựng, phải phát triển làm sao khu vực phía Bắc qua quận Long Biên, Gia Lâm,… để kết nối với sân bay. Trước mắt khai thác vùng đệm sân bay để trở thành các khu du lịch, vui chơi, giải trí,…” - ông Nghiêm nói.

Tại cuộc họp về dự án cầu Trần Hưng Đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Trong đó, xem xét việc tách hạng mục đường dẫn kết nối với đường Nguyễn Văn Linh thành dự án riêng (nghiên cứu thực hiện bằng vốn đầu tư công). Thành phố cũng yêu cầu xác định rõ cơ chế, nguồn lực đầu tư đối với cầu chính (BOT, ngân sách). Trường hợp đầu tư theo phương thức PPP thì nguồn vốn ngân sách không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Về phương án kỹ thuật, cần nghiên cứu kỹ các giải pháp kết nối giao thông, kết nối hạ tầng hai đầu cầu bảo đảm tối ưu; thống nhất phương án chỉ bố trí 1 nhánh dẫn lên cầu từ phía ngã 5 phố Trần Hưng Đạo. Các nhánh lên, xuống còn lại bố trí bảo đảm phù hợp tổ chức giao thông trên đường Trần Quang Khải; đồng thời nghiên cứu kỹ các nhánh kết nối hợp lý đầu cầu phía Long Biên với đường đê Long Biên - Xuân Quan và đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Văn Linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị khởi công cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng