Thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đi lên trong phiên ngày 2/10 theo sau số liệu kinh tế mạnh mẽ; trong đó các chỉ số chính trên Phố Wall chạm mức kỷ lục mới, còn đồng euro mất giá do tình hình chính trị bất ổn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân ở Cataluyna.
Ảnh minh họa (Ảnh: The Japan Times).
Cuối phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 22.557,60 điểm, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm lần lượt là 0,4% và 0,3% lên 2.529,12 điểm và 6.516,72 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tiến 0,9% lên 7.438,84 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,6% lên 12.902,65 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,4% lên 5.350,44 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số IBEX 35 của Madrid (Tây Ban Nha) hạ 1,2% xuống 10.255,70 điểm do những bất ổn liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý tại Catalunya. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 nhích 0,2% lên 3.602,69 điểm.
Các số liệu kinh tế khả quan đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu trở nên sôi động hơn, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tháng Tám ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm, còn hoạt động chế tại ở cả Mỹ và Nhật Bản đều đang ở mức “đỉnh” của nhiều năm.
Viện quản lý nguồn cung Mỹ công bố số liệu cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo ở nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm mức cao nhất của 13 năm qua.
Theo đó, chuyên gia kinh tế trưởng Ian Shepherdson thuộc Pantheon Macroeconomics nhận định những thiệt hại do siêu bão Harvey và Irma gây ra cho nền kinh tế là rất khiêm tốn.
Trong khi đó, tình hình bất ổn chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân tại Tây Ban Nha vẫn chưa lắng xuống, khi chính phủ nước này tuyên bố khẳng định nước này có thể dùng quyền lực hiến pháp của mình để đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalunya nếu chính quyền khu vực này tự tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10 vừa qua.
Trên thị trường tiền tệ, một euro đổi được 1,1733 USD, giảm so với mức 1,1818 USD/euro cuối phiên 29/9 vừa qua.