Tinh hoa Việt

Chúng ta được ‘Vây giữa tình yêu’ của Blaga Dimitrova

TRẦN THỊ TRƯỜNG 03/03/2024 11:11

Tôi từng sống ở Bulgaria - đất nước của hoa hồng gần 6 năm. Và tên của nữ sĩ Blaga Dimitrova đã ăn sâu trong tâm thức chúng tôi, những nam thanh nữ tú nhiều khi quên được đói khổ vất vả là bởi sự lãng mạn thi ca thời đó…

nha-tho-voi-con-gai-nuoi(1).jpg
Bà Blaga Dimitrova và con gái nuôi người Việt Hoàng Thu Hà. Ảnh tư liệu.

1.Bà Blaga Dimitrova (1922-2003) người thông thạo 5 ngôn ngữ, đã viết và xuất bản nhiều tập thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, hồi ký. Bà là người dịch từ tiếng Ba Lan "Pan Tadeush" của Adam Mickievich nổi tiếng, từ tiếng Hy Lạp cổ tác phẩm "Iliad" của Homer (cùng với Al.Milev), dịch tập thơ từ người đoạt giải Nobel Wislava Szymborska (từ tiếng Ba Lan), cũng như hàng loạt tác phẩm khác từ các nhà văn Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ… Khi Bulgaria chuyển đổi cơ chế chính trị, bà trở thành Phó Tổng thống nước Cộng hoà Bulgaria (1992-1994), hoạt động nửa nhiệm kỳ bà tự từ chức vì thấy văn học nghệ thuật phù hợp với bà hơn.

Tên của bà ăn sâu trong tâm thức chúng tôi, những nam thanh nữ tú thành phố nhiều khi quên được đói khổ vất vả là bởi sự lãng mạn thi ca thời đó. Vịn vào thi ca mà sống tích cực, nhiều hoài bão, nhiều nhiệt tình để đấu tranh với ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc… Thơ của bà từng đã chinh phục người Bulgaria và bạn đọc thế giới. Tác phẩm của bà chạm đến tâm hồn mỗi độc giả bởi ngôn ngữ của bà thuộc hàng bậc thầy. Bà đến Việt Nam 5 lần trong thời chiến tranh leo thang.

Hồi đó, nghệ sĩ thế giới hay các chính trị gia đọc bà với tâm thế/ nhìn nhận bà là tác giả của thơ, tiểu thuyết và các câu chuyện về các chuyến đi. Một phần công việc của bà là dành cho những trải nghiệm tại Việt Nam. Chúng được mô tả trong tiểu thuyết “Ngày phán xử cuối cùng” (1969) và tiểu thuyết ghi chép các chuyến đi “Bầu trời dưới lòng đất” (1972).

Trong “Bầu trời dưới lòng đất” Blaga Dimitrova tái hiện những cơn ác mộng chiến tranh. Mọi độc giả đều đồng cảm với cảm giác kinh hoàng, sợ hãi đi kèm với cuộc đời của tác giả và người dân Việt Nam trong các đợt ném bom bất ngờ của Mỹ. Nhưng nỗi lo cũng như nỗi sợ hãi được miêu tả trong “Bầu trời dưới lòng đất” đều không thể dập tắt được khát vọng chiến thắng to lớn và ý chí kiên cường của người dân Việt Nam. Blaga Dimitrova cũng là người biên soạn, tác giả lời tựa và chú giải cho 15 nhà thơ Việt Nam trong tuyển tập “Thơ Việt Nam” (1972).

nh-a2.jpg
Bà Blaga Dimitrova thời trẻ.

2.Về nước đã lâu nhưng tôi vẫn yêu thương nhớ nhung những ngày tôi sống ở đất nước Bulgaria tươi đẹp và thân thiện đó. Các bạn tôi, vì những lý do khác nhau nhiều người ở lại và sinh đống bên đó, nhưng lòng lại luôn hướng về Việt Nam. Trong nhiều năm qua, họ đã sống và xứng đáng là những công dân của nước sở tại.

Nhưng họ muốn đóng góp một điều gì đó có ý nghĩa với Việt Nam. Và tôi cho rằng, cuộc “trở lại” Việt Nam bằng chuyển ngữ các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị thế giới về cho người Việt cũng là cuộc trở về đầy ý nghĩa và sáng tạo.

Trước Tết Giáp Thìn ít ngày, hai trong số những người Việt xa xứ đó gửi tới tôi tập thơ 86 bài của Blaga Dimitrova do tiến sĩ Ngô Thị Thục và Nguyễn Thị Thanh Hằng chuyển ngữ từ nguyên gốc tiếng Bulgaria sang tiếng Việt. Tiến sĩ Ngô Thị Thục từng là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Sofia, sống và làm việc trực tiếp với người Bulgaria hàng ngày, vậy nên bà có vốn tiếng Bulgaria không chỉ trên sách vở, mà còn là hiểu rất sâu về ngôn ngữ giao tiếp. Bà ấp ủ mong ước nhiều năm nay là thông qua việc dịch văn, thơ Bulgaria để mang văn hóa Bulgaria tới với người dân Việt Nam, một đất nước nhỏ bé đã từng đóng góp hỗ trợ cho Việt Nam không ít trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và giúp chúng ta đào tạo hàng vạn sinh viên, nghiên cứu sinh, các nghệ sĩ và đạo diễn.

Bởi vậy, bà đã bắt đầu bằng việc dịch thơ của một nhà thơ rất nổi tiếng và yêu quý đất nước chúng ta, thơ của Blaga Dimitrova. Tuy là tác phẩm dịch đầu tiên được công bố, nhưng bà cũng đã có sự chuẩn bị qua việc dịch văn, thơ của các tác giả Bulgaria trước đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng tuy về nước đã lâu nhưng vẫn thường xuyên quan tâm đến Bulgaria, đã lập một trang web giới thiệu chi tiết về Bulgaria với bề dày lịch sử, các lễ hội dân gian truyền thống, về văn hóa, giáo dục, ẩm thực... để đưa văn hóa Bulgaria đến với thế giới và về với Việt Nam. Trang web của Nguyễn Thị Thanh Hằng đã được giới thiệu trên báo Bulgaria từ hơn 10 năm trước.

bia(1).jpg
Cuốn sách được ra mắt độc giả tại Hà Nội ngày 22/2/2024.

3.Tập thơ “Vây giữa tình yêu” của Blaga Dimitrova đã được 2 nhà thơ lớn của Việt Nam là Tế Hanh và Xuân Diệu dịch từ tiếng Pháp, xuất bản tại Việt Nam năm 1968.

Đã hơn 50 năm, “Vây giữa tình yêu” không còn mấy người lưu giữ được do tình trạng chiến tranh thất lạc, do chất lượng giấy và in không đảm bảo... lại dịch từ ngôn ngữ trung gian khiến bạn đọc có thể đã không còn ấn tượng nhiều về một tác giả lừng lẫy và và tác phẩm xứng đáng này.

Ngô Thị Thục và Nguyễn Thị Thanh Hằng quyết tâm “trở về vui Tết Giáp Thìn” bằng cách ra mắt cuốn thơ song ngữ Việt - Bulgaria trọn vẹn thơ về Việt Nam (được viết trong khoảng năm 1966-1968, thời gian có mặt tại Việt Nam của thi sĩ Blaga Dimitrova).

Chúng ta sẽ thấy một tác giả tầm cỡ thế giới, đã yêu Việt Nam như thế nào, đã không ngại đạn bom, sự vất vả và cái chết ra sao, để có được những cảm xúc chân thành nhất cho ngòi bút của mình. Không chỉ viết lên những vần thơ làm xúc động lòng người, thức tỉnh lương tri nhân loại, bà còn hành động cụ thể, nhận đỡ đầu cháu Hoàng Thu Hà, người Hải Phòng, đứa cháu về nuôi nấng chăm sóc ở Sofia, nơi bà sinh sống.

Thế giới từng đánh giá Balga Dimitrova là nhà nhơ xuất sắc, là bậc thầy của ngôn ngữ. Thơ hay thì luôn tồn tại, giá trị của nó bất biến. Nhất là khi thế giới vẫn còn chiến tranh thì tính thời sự và xúc cảm thơ của Blaga Dimitrova không hề bị giảm sút.

Hai dịch giả Ngô Thị Thục và Nguyễn Thị Thanh Hằng tha thiết mang những tác phẩm có giá trị kể trên của nữ thi sĩ xuất sắc Blaga Dimitrova về đất nước. Cuốn sách được sự giúp đỡ tận tình của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và NXB Hội Nhà văn… Tôi là người làm bìa sách và hiệu đính.

Đọc trong bản thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Khi chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt chiến tranh thì tôi được đọc tập thơ của nhà thơ nổi tiếng người Bulgaria, Blaga Dimitrova. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc đầy đủ nhất những bài thơ bà viết về cuộc chiến tranh tàn khốc nhất thế kỷ 20 mà người Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam. Bà là một nhà thơ lớn của thế giới, là một người bạn đặc biệt của nhân dân Việt Nam.

Những bài thơ của bà là bản tuyên ngôn về lẽ phải, về khát vọng sống, khát vọng hòa bình của nhân loại thông qua lẽ phải, khát vọng sống, khát vọng hòa bình của một dân tộc nhỏ bé trong cuộc đấu tranh chống lại một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới.

Đọc thơ của bà không phải đọc về sự tàn khốc đầy cái chết của một cuộc chiến tranh mà là đọc một bộ hồ sơ mới về một dân tộc thông qua một cuộc chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh, nhà thơ Blaga Dimitrova đã đến Việt Nam nhiều lần. Bà đã đi một chặng đường dài từ một đất nước thanh bình đến một cuộc chiến tranh, xuyên qua bom đạn, nhưng không phải để đến một vùng đất chết chóc mà đến với những nụ cười từ chết chóc.

Bài thơ mở đầu của tập thơ mang tên "Gặp gỡ nụ cười" chính là một phát hiện vĩ đại của bà về một dân tộc mang tên Việt Nam. Nói thật chính xác, đó là một phát hiện vĩ đại về nhân loại. Xin hãy đọc trọn vẹn bài thơ này:

“Tôi đã đi từ một nơi rất xa,

đến tận đầu bên kia thế giới. Trong một đêm đen như cà phê sẫm tối,

tôi đã vượt qua ranh giới,

giữa hòa bình và chiến tranh.

Tôi thận trọng liếc nhìn những giọt nước mắt lăn nhanh,

như thể nhìn vào một cái giếng khô - và gặp

những ánh mắt đầy chết chóc.

Ngay khi bình minh như hạt lựu vỡ tung ra,

một thiếu phụ hốc hác đã nhìn tôi cười mỉm,

với tôi - một người đàn bà ngoại quốc lạ xa.

Và qua nụ cười tôi thấy rõ nỗi đau,

sự dịu dàng và sức mạnh của một Việt Nam bị xâm chiếm.

Nhờ nụ cười như thế

tôi đã vượt qua mọi nguy hiểm,

từ đầu này đến đầu thế giới bên kia”.

Bài thơ là một định nghĩa về sự sống mãnh liệt của một dân tộc không gì có thể khuất phục. Thế giới đã nói rất nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng bằng thơ ca, Blaga Dimitrova đã mở ra một chiều sâu thăm thẳm về con người Việt Nam, mở ra chiều kích mới của một nền văn hóa, của lịch sử một dân tộc mà các nhà sử học không dễ dàng chạm tới…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chúng ta được ‘Vây giữa tình yêu’ của Blaga Dimitrova

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO