Tới thời điểm này, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội tại Ấn Độ, quốc gia với 1,3 tỷ dân - đông thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Con số người nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, vì theo giới chuyên gia y tế đến khoảng giữa tháng 5 này Ấn Độ mới vào đỉnh dịch. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, người ta đã hướng sự chú ý tới các biến thể mới của virus Covid-19 được cho là đã khiến dịch lây lan nhanh, cũng như kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ, giúp đỡ Ấn Độ qua giai đoạn khó khăn.
1. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các biến thể “cũ” thì trung bình một bệnh nhân Covid-19 lây nhiễm virus cho 4 người, nhưng biến chủng kép B.1.617 tại Ấn Độ có thể lây cho 9 -10 người.
Trước đó, người ta cũng đã phát hiện ra các biến thể virus SARS-CoV-2 tại Vương quốc Anh, Nam Phi và Brazil. Đây cũng là những “đột biến gene” của chủng “cũ” - nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (được xác định khởi phát từ cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020, tại Vũ Hán, Trung Quốc).
Suốt từ đó cho đến khoảng tháng 10/2020, các nhà khoa học cũng chỉ ghi nhận 1 chủng SARS-CoV-2. Vì thế, đã có ý kiến cho rằng chủng virus này không có khả năng biến thể. Nhưng, tiên lượng trên là hoàn toàn không chính xác.
Cũng trong thời gian đó, nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn dược phẩm lớn, nhiều phòng thí nghiệm vi trung học bắt đầu chạy đua nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 (còn gọi là vaccine Covid-19). Thành công trong việc nghiên cứu có thể coi là bất ngờ, là kỳ tích khi thời gian nghiên cứu cho đến khi điều chế được vaccine chỉ trong vòng 10 tháng, trong khi y văn thế giới ghi nhận muốn có được bất cứ loại vaccine nào trở thành thương phẩm, tiêm ngừa trên diện rộng thì cũng phải mất từ 6 năm tới 10 năm.
Cũng từ khoảng cuối tháng 10/2020, khi mà những mũi vaccine Covid-19 đầu tiên được tiêm thử nghiệm trên người, thì cũng là lúc ngươi ta bàng hoàng khi ghi nhận những biến thể virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Lúc ấy, Bộ Y tế Vương quốc Anh thông báo, tìm thấy biến thể mới mà tốc độ lây lan nhanh hơn khoảng 70% so với chủng virus cũ. Thông tin này khiến thế giới giật mình, cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 đã phải đối diện với thử thách mới và cũng là những ngã rẽ mới khó lường.
Chưa hết, sau đó hơn 2 tháng, người ta lại phát hiện những biến thể SARS-CoV-2 mới tại Nam Phi và tại Brazil. Đáng lo ngại là chúng không “có họ hàng gì” với biến thể ở Anh. Và 3 biến thể này (tại Anh, Brazil, Nam Phi) là 3 biến thể độc lập tuy cùng 1 gốc với chủng virus SARS-CoV-2 “cũ”.
Như vậy là các biến thể mới là độc lập với nhau. Điều đó cho thấy virus SARS-CoV-2 biến thể khác nhau tại những vùng địa lý khác nhau. Nhưng chúng có điểm chung là cùng 1 gốc, tốc độ lây lan nhanh hơn chủng “cũ” rất nhiều và có dấu hiệu “né” được các loại vaccine đang được tiêm rộng rãi.
Vì thế, việc phát hiện ra 3 biến thể mới tại Ấn Độ càng cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 thực sự đã bước vào một ngã rẽ với những thách thức lớn hơn rất nhiều.
2. WHO đã cách báo, nếu như không sớm giải mã gene biến thể mới tại Ấn Độ, và thế giới không chung tay cùng Ấn Độ thì không chỉ quốc gia này lâm vào thảm họa mà cả thế giới cùng chung số phận khi rất lâu mới có thể vượt qua được dịch bệnh.
Với làn sóng Covid thứ hai này, Ấn Độ thực sự khó khăn khi số người lây nhiễm đã hơn 20 triệu và số ca tử vong cũng đã cả triệu người. Nếu như ở làn sóng thứ nhất (khoảng tháng 3/2020), Ấn Độ dễ dàng khống chế dịch với số ca lây nhiễm ít, số ca tử vong cũng ít, thì với làn sóng này - nó hoàn toàn ngược lại. Người ta cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng đó là do Ấn Độ bị tấn công bới các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Trong đó, “biến thể kép” B.1.617 là đáng sợ hơn cả. Được phát hiện lần đầu tiên ở Maharashtra, biến thể B.1.617 là sự kết hợp của hai biến thể khác nhau E484Q và L452R. Theo các nhà khoa học, biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể ở Anh, Brazil và Nam Phi. Như vậy, nó sẽ làm gia tăng nhanh chóng số người bị nhiễm SARS-CoV-2. Với biến chủng cũ, trung bình một bệnh nhân Covid-19 có thể lây nhiễm virus cho 4 người. Con số này tại Ấn Độ là khoảng 9-10 người.
Khi nỗi ám ảnh từ biến thể kép B.1.617 chưa qua, thì sự xuất hiện các ca nghi nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Tây Bengal cũng khiến giới chức Ấn Độ lo ngại. Được gọi là “đột biến 3 biến thể” hay B.1.618, biến chủng mới là sự phát triển của đột biến kép, trong đó 3 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau kết hợp để tạo thành một biến thể mới. Các báo cáo cho thấy “đột biến 3 biến thể” có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao hơn các chủng virus trước đó.
Thể virus mới này “có vẻ” giống với thể đột biến E484K từng được xác định tại Nam Phi và Brazil, đã được các nhà khoa học nói là “đặc biệt đáng lưu tâm” vì nó giúp virus vượt qua hệ thống phòng thủ miễn dịch của cơ thể. Giới chức y tế Ấn Độ cho biết, tỷ lệ mắc B.1.618 đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây ở bang Tây Bengal.
Tiến sĩ Ramana Prasad (Bệnh viện Hyderabad) cho rằng, làn sóng thứ hai tại Ấn Độ dường như nguy hiểm hơn đợt đầu tiên, đặc biệt với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các ca mắc không triệu chứng. Điều đó rất có thể là do các biến thể mới gây ra, khi chúng đã “khôn” hơn, biết “né” sự tầm soát để âm thầm tồn tại trong cơ thể người, cho đến khi thực sự gây bệnh mới “lộ diện”.
Một số chuyên gia y tế lo ngại rằng, các biến thể mới này có thể phá hỏng những thành tựu vaccine đã đạt được. Tuy nhiên, đa số các nhà vi trùng học đều cho rằng, đó cũng chỉ là nghi ngờ vì thực tế tất cả những biến thể virus mới có thể “trốn” được vaccine ở giai đoạn nhất định, nhưng độc lực của chúng thường thấp hơn chủng virus gốc.
“Con người có thể chậm chân hơn virus nhưng virus thì không bao giờ có được trí khôn như con người” - Kristian Andersen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Scripps đưa ra nhận xét đồng thời khuyến cáo rằng trong khi chưa thể tiêu diệt được virus gây dịch Covid-19 một cách triệt để thì tốt nhất là mỗi người phải tự bảo vệ mình, cũng có nghĩa là bảo vệ cộng đồng.
3. Giờ đây Ấn Độ đã là “tâm chấn” của đại dịch. Tâm chấn này sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn thế giới và nói như Tiến sĩ Rack Miller -Viện Nghiên cứu dịch bệnh toàn cầu thì kể cả khi thế giới chỉ còn 1 quốc gia bị dịch bệnh tấn công thì thế giới cũng “không thể ngủ ngon” vì dịch bệnh lại có thể quay lại tấn công bất cứ lúc nào.
Vì thế, lúc này, phong trào hỗ trợ Ấn Độ, chung tay diệt Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi.
WHO cảnh báo, cơn khủng hoảng tại Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể kích hoạt một “cơn bão lớn” khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt. Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các làn sóng lây nhiễm mới. Ông Kluge lưu ý, trong khi số ca mắc mới trong khu vực EU giảm “đáng kể” lần đầu tiên sau hai tháng, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trên toàn khu vực vẫn rất cao.
“Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và việc tiêm chủng vaccine còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu” - Tiến sĩ Kluge nói.
Với tốc độ lây lan Covid-19 ở tốp đầu khu vực châu Á, tỷ lệ dương tính với Covid-19 của Nepal đang rất cao. Ngày 5/5, Nepal ghi nhận hơn 8.600 ca mắc và 58 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia có 30 triệu dân. Một tháng trước, có ngày Nepal chỉ báo cáo hơn 100 ca bệnh nhưng đến ngày 5/5 đã là 360.000 ca mắc, trong đó 3.475 người đã tử vong. Số ca mắc mới tính theo ngày tại Nepal bắt đầu tăng vọt từ giữa tháng 4/2021, chỉ vài tuần trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai bắt đầu càn quét Ấn Độ.
Tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân tính theo ngày tại Nepal tăng hơn bảy lần chỉ trong vòng hai tuần. Hiện tỷ lệ mắc Covid-19 của Nepal là 20 ca/100.000 người, tương đương với tỷ lệ này tại Ấn Độ nửa tháng trước.
Đợt bùng phát nghiêm trọng đang tấn công cả thủ đô Kathmandu và khu vực phía tây và tây nam đất nước Nepal. “Chúng tôi giống như đang trong khu vực chiến tranh” - Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng của Bệnh viện bệnh Nhiệt đới và lây nhiễm Sukraraj tại Kathmandu chia sẻ. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra tại Nepal.
“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và hành động nhanh chóng để có hy vọng kiểm soát thảm họa này” - ông Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của (IFRC) nói.