Trong khi tảo hôn tước đi sự phát triển toàn diện của các bé gái thì hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm giống nòi, các thế hệ sau thường mắc nhiều loại bệnh di truyền, bị dị tật... Cao Bằng là địa phương có tỷ lệ tảo hôn còn cao. Nhưng cộng đồng đang chung tay ngăn chặn những tệ nạn này.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền của nước ta, nhất là tại những khu vực dân trí còn thấp, nơi các cộng đồng dân cư sống biệt lập, ít tương tác với các cộng đồng dân cư khác. Đây là lý do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Với diện tích rộng, địa hình lại bị chia cắt bởi đồi núi, cư dân thưa thớt, với khoảng 70 người/km2, nhiều bản làng cách xa khu trung tâm, Cao Bằng “hội tụ” nhiều lý do khiến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại. Tại một số bản làng, anh chị em con chú – con bác hoặc tương đương kết hôn với nhau vẫn còn phổ biến. Điều này gây ra hệ luỵ là những đứa trẻ sinh ra thường có bệnh về di truyền, bị dị tật làm suy giảm giống nòi. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Kết hôn sớm cũng ngăn cản việc học tập, phát triển sự nghiệp của các bé gái.
Trước thực tế này, từ năm 2019, Cao Bằng triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh Cao Bằng” song song việc thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chủ trì). Sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể đang đem lại những tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, con số này chỉ còn 59 cặp. Trong đó, 8/10 huyện, thành phố không phát sinh trường hợp tảo hôn.
Trong năm 2022, hai huyện vẫn còn tảo hôn là Hà Quảng và Bảo Lạc. Song tình trạng tảo hôn đã giảm mạnh tại một số xã. Một trong số đó là xóm Cà Lò, xóm vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của xã Khánh Xuân (Bảo Lạc). Cả xóm có 34 hộ dân tộc Dao, 100% là hộ nghèo, cuộc sống, sinh hoạt của bà con gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân không phải là vấn đề mới, tuy nhiên luôn là vấn đề “nóng”. Hủ tục lấy vợ sớm cho con cháu ở đây như “ăn sâu, bám rễ” vào tư tưởng, tâm lý của người dân. Cả xóm có hơn 80% hộ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều em nhỏ mới 12, 13 tuổi đã nghỉ học ở nhà và gánh thiên chức là những người vợ, người mẹ.
Trước thực trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn nỗ lực vào cuộc, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân Sinh Văn Phong cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm, phối hợp với lực lượng biên phòng xác định rõ đối tượng cần tập trung tuyên truyền, từ đó lên kế hoạch thành lập đoàn tuyên truyền tại các xóm. Chúng tôi lồng ghép các hoạt động, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí, quyền lợi của người dân..., phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín, cùng người dân xây dựng mô hình gia đình, dòng tộc, thôn, xóm không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và bộ đội biên phòng dần dần đã thay đổi tập quán người dân. Nhiều người đã “trót” làm lễ cho các cháu nhỏ, nhưng khi được vận động đã quyết định chưa cho các cháu về ở chung, đợi học xong mới làm đám cưới. Gia đình ông Chảo Sành Phấu là một thí dụ. Ông Phấu lấy vợ cho cháu trai khi cháu mới học lớp 6. Nhưng nay, ông vui vẻ “gác lại” đợi các cháu học hành. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn không còn trường hợp nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Một điểm sáng khác là xã Quang Trung, huyện Hoà An. Khi triển khai các Đền án, chính quyền, đoàn thể xã đã đến từng hộ gia đình vận động ký cam kết không tảo hôn, không thực hiện hôn nhân cận huyết. Kết quả là ba năm liên tục xã Quang Trung không có trường hợp tảo hôn. Tỉnh Cao Bằng hiện đang duy trì và triển khai 7 mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao gồm: Xã Tân Việt (nay thuộc xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm), xã Hồng Trị (huyện Bảo Lạc), xã Thái Học (nay thuộc xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình); xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (nay thuộc xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh); xã Nội Thôn (huyện Hà Quảng), xã Bình Lãng (nay thuộc xã Thanh Long, huyện Hà Quảng), xã Quang Trung (huyện Hòa An). Các mô hình này đang phát huy hiệu quả tích cực.
Cao Bằng đang nỗ lực giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.