Xứ Đoài nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công như: mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt Phùng Xá,... Và thời gian gần đây là nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo của xã Thạch Xá.
Sự sắp đặt tình cờ
Nằm ngay dưới chân chùa Tây Phương, thôn Tây Phương, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) mang đậm hình ảnh thôn quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình. Nơi đây, từ vật liệu quen thuộc của làng quê Việt Nam là cây tre, người thợ làng Thạch Xá đã khéo léo tạo ra những con chuồn chuồn độc đáo đủ màu sắc.
Chuồn chuồn gắn liền với hình ảnh tuổi thơ của nhiều người trong mỗi chúng ta. Điều đó như một sự sắp đặt tình cờ mà nghề làm chuồn chuồn tre lại đến với xứ Đoài mây trắng. Bởi nhìn những món quà thôn quê này mà du khách có thể cảm nhận những người con Thạch Xá mang đậm hình ảnh thôn quê Việt Nam. Để rồi những chú chuồn chuồn tre ấy, được bàn tay khéo léo của những người nông dân cất cánh bay.
Là người đầu tiên mang nghề thủ công làm chuồn chuồn tre về Thạch Xá, nghệ nhân Đỗ Văn Liên (56 tuổi) chia sẻ cơ duyên đến với nghề. Đó là vào năm 2000, lúc ấy ông Liên và gia đình vẫn đang ở gần chùa Tây Phương thì thấy một vị khách đến thăm chùa có mang theo 1 con chuồn chuồn được làm bằng tre. Hình dáng chú chuồn chuồn tre khi ấy nhìn không được bắt mắt như bây giờ, nhưng điều thu hút ông chính là sự thăng bằng từ mỏ của con chuồn chuồn, nó giữ được thăng bằng như được người ta gắn nam châm.
Rồi sau đó ông Đỗ Văn Liên quyết tâm tìm tòi và mò mẫm tự làm cho bằng được con chuồn chuồn tre. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng tìm ra được nguyên lý giữ thăng bằng cho những con chuồn chuồn tre. Ban đầu, chỉ là sản xuất nhỏ lẻ và bán cho những khách hành hương khi họ muốn mua một món quà từ chùa Tây Phương. Dần dần, xa gần người ta biết nguồn sản xuất chuồn chuồn tre ở Thạch Xá và tìm về đặt hàng. Từ đó, gia đình ông Liên có một nghề tương đối vững chắc. Không giữ cho riêng mình, nghề làm chuồn chuồn được ông truyền cho các gia đình trong làng. Đến nay làm chuồn chuồn tre đã là một nghề truyền thống tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng.
Bay khắp muôn nơi
Làng Thạch Xá giờ đây đã cho ra đời những sản phẩm độc đáo, có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm có một vẻ đẹp riêng. Khách cũng có thể tự đặt theo thiết mẫu mã yêu thích. Ngoài chuồn chuồn tre, các nghệ nhân ở đây còn sáng tạo ra các loài bướm, công, chim, rùa… cũng được làm từ tre.
Nghề chuồn chuồn tre hết sức tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, tinh tế và đặc biệt là phải có sự đam mê, tâm huyết với nghề. Những cây tre xanh bánh tẻ được lựa chọn kỹ lưỡng. Việc đầu tiên là cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, sau đó đem phơi để thân tre có màu hanh vàng, mượt, rồi lại đem đi cạo lần nữa.
Ông Liên say sưa kể: Chúng tôi phải làm rất nhiều công đoạn, với sự tỉ mỉ và chính xác như cắt chia thành từng thanh tre nhỏ để làm bộ phận cánh, thân. Sau đó uốn cong phần mỏ bằng thanh sắt nung đỏ. Cuối cùng là lắp ghép cánh vào thân và sơn màu, vẽ họa tiết.
Đặc biệt, để chuồn chuồn tre có thể thăng bằng, ông Liên lý giải: Chuồn chuồn tre Thạch Xá có thể thăng bằng trên những chiếc mỏ nhọn. Nguyên lý cân bằng, dựa trên 3 điểm là mỏ, cánh và đuôi. 3 điểm này phải bằng nhau, và trọng lượng của nó phải rơi vào giữa.
Giờ đây, chuồn chuồn tre Thạch Xá đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, trong đó người Nhật Bản đón nhận sản phẩm lưu niệm này với một niềm yêu thích. Để những chú chuồn chuồn tre có thể cất cánh bay xa như vậy là cả một quá trình vất vả, kiên trì bám lấy nghề từ thuở ban đầu của những người thợ thủ công làng Thạch Xá.
“Lúc mới làm tôi cũng lo lắm, mình mò mẫm tự làm được sản phẩm, nhưng không biết là có bán được không, người ta có yêu thích sản phẩm của mình làm ra không. Cũng may là trời không phụ người có tâm với nghề, khách với số lượng ngày càng tăng lên. Có khách đã gắn bó với gia đình từ những ngày đầu. Rồi có cả khách nước ngoài đến đặt hàng để xuất khẩu”, nghệ nhân Đỗ Văn Liên chia sẻ.
Nghề làm chuồn chuồn tre đã giúp nhiều người dân của Thạch Xá có công ăn việc làm, nhưng dịch Covid-19 đã làm sức tiêu thụ giảm nhiều. Thậm chí nhiều thợ thủ công làm chuồn chuồn tre đã phải chuyển sang nghề khác vì cuộc sống mưu sinh. “Những năm trước Covid-19, nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 10 người thợ, làm không kịp bán. Đi triển lãm, chỗ nọ, chỗ kia, rồi đi hội chợ. Sau hai năm, bây giờ, lại có khách đặt hàng trở lại, tôi vui lắm bởi những chú chuồn chuồn tre làng Thạch Xá lại có cơ hội cất cánh”, bà Nguyễn Thị Xoan, người đã gắn bó với nghề gần 20 năm nói.
Quả thực, với sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch, những cánh chuồn chuồn Thạch Xá đang được kỳ vọng sẽ trở lại thời kỳ hưng thịnh như trước đây, rồi du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Nội sẽ lại ghé thăm làng nghề.