Do chưa có văn bản xác định cụ thể người lao động có thu nhập thấp, các địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này.
Đó là nội dung đáng chú ý được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề cập tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Cụ thể, theo Bộ LĐTBXH, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đã xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên hiện nay, đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể, nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.
Theo báo cáo của 73 cơ quan bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai, do chưa có văn bản xác định cụ thể.
Vì vậy, theo Bộ LĐTBXH, việc xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ, cơ sở thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, có 29 địa phương có văn bản kiến nghị; nhiều địa phương phản ánh, kiến nghị, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể về đối tượng người lao động có thu nhập thấp, để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, việc xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã có căn cứ rõ ràng, nhưng vẫn chưa có khái niệm cụ thể để xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp”.
Sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ LĐTBXH cũng ghi nhận phản ánh của các địa phương, ngay sau đó, Bộ đã đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, trong đó làm rõ “người lao động có thu nhập thấp” - là người lao động có thu nhập trung bình trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến một số cơ quan, có ý kiến cho rằng, không thể quy định vấn đề này trong Nghị quyết của Chính phủ, mà cần sửa Quyết định số 90 hoặc sửa đổi bằng một nghị định khác. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu sửa Nghị định số 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo thủ tục rút gọn.
Xuất phát từ thực tế trên, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình: Khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 3 triệu đồng. Mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người của hộ để làm căn cứ xác định người lao động có thu nhập thấp dự kiến của chính sách chỉ bằng 48-54% mức thu nhập bình quân năm 2023.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025, và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong khả năng bố trí ngân sách của trung ương và địa phương. Việc này bảo đảm đúng mục tiêu, tiết kiệm hiệu quả theo đúng quy định.
Theo Bộ LĐTBXH, việc xây dựng dự thảo Nghị định trên bảo đảm phù hợp chủ trương đầu tư công Chương trình; không làm thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện Chương trình; không ban hành tiêu chí mới, không làm thay đổi đối tượng thụ hưởng, không làm tăng kinh phí thực hiện Chương trình; phù hợp thực tiễn, giải quyết được khó khăn, vướng mắc của các địa phương.
“Đề xuất trên nếu được thông qua sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương” - Bộ LĐTBXH tính toán.