Xã hội

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững

Nguyễn Quốc 20/09/2024 13:31

Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế góp phần tăng thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm, chú trọng thực hiện trong thời gian qua.

z5823569640619_b37e95fd977f8ff77f30acaca5cb2f3c.jpg
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: C.A.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 18/1/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó có dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là một dự án riêng.

Đối tượng hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan; các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những năm qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình việc làm, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc triển khai các chương trình giải quyết việc làm của tỉnh, các Chương trình MTQG; UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương từ các Chương trình MTQG và nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ chi phí ban đầu cho các đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được vay vốn và tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi đối với lao động cư trú tại các địa phương miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giảm gánh nặng chi phí, góp phần khuyến khích người lao động tham gia thị trường lao động ngoài nước.

z5823560296575_40756cb2cef6f3ef34550e7ffa39d55f.jpg
Người lao động đến tư vấn việc làm. Ảnh: C.A.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời các vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở; tổ chức các hội nghị, hội thảo, Ngày Hội việc làm - Tư vấn tuyển sinh, phối hợp các đài truyền thanh - truyền hình các cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề cho người dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,… để những đối tượng này có định hướng học nghề, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo để đào tạo nghề trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp…

Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết, tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết việc làm cho 11.556 người lao động, đạt 67,98% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024; trong đó, 618 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1.567 người, đạt 76,43% so với kế hoạch năm 2024, trong đó có 55 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

z5823563839044_467214f1a5da941d2b402ccec768608c.jpg
Ngày hội việc làm thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Ảnh: C.A.

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTB&XH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với số tiền 555,640 triệu đồng, (có 8 trường hợp thuộc hộ cận nghèo và 3 trường hợp thuộc xã bãi ngang ven biển với tổng số tiền 76,45 triệu đồng).

Việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho các đối tượng chính sách khi đi làm việc ở nước ngoài được các địa phương quan tâm triển khai. Cụ thể, Phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông đã hỗ trợ chi phí ban đầu cho 14 người lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số tiền 169,410 triệu đồng. Phòng LĐTB&XH huyện A Lưới đã hỗ trợ chi phí ban đầu cho 33 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số với số tiền là 416 triệu đồng.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay và hỗ trợ chi phí ban đầu cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị quyết số 30 Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 06.

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH tỉnh còn chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai công tác kết nối thông tin Cung - Cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm từ Trung tâm dịch vụ việc làm.

Tính đến tháng 6/2024, Trung tâm đã tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm với hơn 3.190 lượt lao động, 276 lượt doanh nghiệp tham gia. Kết quả thực hiện 100% người lao động (trong đó có hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự chủ động triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với việc chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa phương, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm ở các vùng nghèo, vùng khó khăn.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững