Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực

Linh Lan 12/11/2015 08:51

Việc Bộ GD&ĐT tích hợp Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc (cấp THPT) đã tạo nên ý kiến trái chiều trong dư luận nhiều ngày qua. Các chuyên gia giáo dục vẫn đang tiếp tục đưa ra ý kiến, trong đó có không ít ý kiến cho rằng, Lịch sử phải được đứng riêng đúng với vai trò, vị thế của môn học. 

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực

Nhiều học sinh cho rằng: Lịch sử phải được đứng riêng
đúng với vai trò, vị thế của môn học.

Để rộng đường dư luận, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần khẳng định: Mục tiêu quan trọng nhất khi thực hiện chương trình là hình thành phẩm chất và năng lực người học. Kiến thức phải được vận dụng tổng hợp, sáng tạo thì mới có thể hình thành phẩm chất và năng lực người học tốt.

Nói về việc tích hợp môn Lịch sử, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Bộ GD&ĐT luôn luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn lịch sử mà hơn thế, rất coi trọng môn Lịch sử. Nhưng trên thực tế, bằng cách xây dựng chương trình như hiện nay, đưa môn Lịch sử vào các môn tích hợp, sẽ không còn môn Lịch sử. Điều đó, theo tôi là xóa bỏ môn Lịch sử. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử, không riêng tôi mà cả xã hội đều hết sức lo lắng, vì nó dẫn đến một hệ quả cực kỳ nguy hiểm trên phương diện đào tạo thế hệ trẻ thành công dân tương lai của đất nước.

Cũng tương tự, rất nhiều giáo viên đã lên tiếng. Đa phần cho rằng khi Lịch sử được tích hợp vào môn học khác, hay đơn giản để Lịch sử trở thành môn tự chọn là Bộ GD&ĐT đã “khai tử” môn Lịch sử.

Không chỉ có các chuyên gia giáo dục, hay các giáo viên dạy Lịch sử mong muốn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc với tên gọi riêng, rất nhiều HS cũng đã lên tiếng. Nguyễn Ngọc Diệu, HS trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội chia sẻ quan điểm, nên để môn Lịch sử giữ đúng vị trí của nó, là môn học bắt buộc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Chúng ta ai cũng thống nhất môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân rất quan trọng, và ai cũng đồng tình với nhau là cần phải đổi mới về hình thức và phương pháp cũng như nội dung giáo dục. Chỉ có khác nhau là bây giờ đổi mới như thế nào về kết cấu nội dung, về hình thức dạy học, về phương pháp dạy học. Chương trình GDPT là phải tăng cường giáo dục năng lực và phẩm chất người học thay cho gánh nặng trang bị kiến thức. Kiến thức cũng phải lồng ghép tích hợp thế nào để có thể giảm bớt số môn học bắt buộc mỗi một cấp học. Ngoài ra phải tăng cường tính hướng nghiệp cho HS.

Xuất phát từ những yêu cầu như vậy, Bộ GD&ĐT đã thiết kế một môn học có kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, và một lĩnh vực kiến thức có thể bố trí ở nhiều môn học để những kiến thức liên quan đến nhau, được sắp xếp gần nhau và bổ sung lẫn nhau để giáo viên, HS dễ liên hệ, dễ vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Chính cái này chưa được trao đổi kỹ cho nên còn có những ý kiến khác nhau.

Trước đó, ông Đỗ Ngọc Thống, thành viên Ban soạn thảo CT, SGK sau năm 2015 (Bộ GD&ĐT) cũng nhiều lần nhấn mạnh: Nội dung Lịch sử là bắt buộc. Điều mà chúng ta vẫn còn đang băn khoăn, tranh luận là Lịch sử có đứng riêng hay không. Điều này Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến và bàn thảo thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO