Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Vẫn 'nóng' môn lịch sử

Thu Trang 06/11/2015 09:50

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định, môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT) vẫn là nội dung bắt buộc. Tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và học sinh (HS) vẫn tiếp tục đưa ra ý kiến: Lịch sử ngoài việc là môn học bắt buộc thì phải được đứng ở vị trí riêng (không nằm trong môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc).

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Vẫn 'nóng' môn lịch sử

Giáo viên phải truyền được lửa yêu thích môn Lịch sử cho học sinh.

Nói về điều này, ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới CT SGK sau năm 2015 cho biết: Việc coi trọng Lịch sử là tất yếu. Vấn đề băn khoăn là ở chỗ môn Lịch sử bị ghép vào Công dân với Tổ quốc có hợp lý không. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến và bàn thảo.

Lịch sử đứng riêng sẽ có nội dung trùng lặp

Theo ông Đỗ Ngọc Thống: Một năm học cấp THPT, theo CT mới vẫn dành cho Lịch sử mỗi tuần 1 tiết, tức là mỗi năm 35 tiết. Như thế thì 3 năm THPT cũng là 105 tiết. Những môn như Tiếng Anh, Ngữ Văn, Toán là môn bắt buộc mà cũng chỉ có 2 tiết thôi. Cho nên vị trí môn Lịch sử tôi nghĩ vẫn giữ vững không có gì thay đổi cả.

Ông Thống cho biết thêm: “Thậm chí trong CT mới, HS còn phải học Lịch sử nhiều hơn. Bởi vì ngoài nội dung bắt buộc của Lịch sử ở môn Công dân với Tổ quốc, thì tất cả HS đi theo hướng Khoa học kỹ thuật, Khoa học tự nhiên, công nghệ còn phải học thêm bộ môn Khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử. Vào cấp THPT, HS sẽ bước vào giai đoạn phân hóa, cho nên những em nào đi chuyên ngành Khoa học xã hội, đặc biệt ngành Lịch sử thì lại phải học môn Lịch sử 2, tức là môn Lịch sử tự chọn dành cho những em chuyên về Lịch sử. Như thế, giờ Lịch sử còn nhiều hơn so với trước.

“Nếu môn Lịch sử được đặt riêng thì sẽ có một số nội dung trùng với bộ môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Giáo dục công dân. Đồng thời ngoài nội dung của Lịch sử, còn phải làm hộ nhiệm vụ tích hợp cho hai bộ môn này nữa. Lí do thứ 2, định hướng của CT là giảm những môn học bắt buộc, tăng tự chọn. Các nước khác môn bắt buộc rất ít, thậm chí lên cấp 3 tự chọn hết. Một số nước thì bắt buộc một số môn. Số môn bắt buộc không thể nhiều được. Nhưng mà tách 3 môn ra, cộng với 3 môn kia là 6, cộng với các hoạt động thì lượng môn bắt buộc lại quá nhiều” - ông Thống phân tích.

Học sinh không chọn Sử, giáo viên cần xem lại

Nhìn vào thực tế tại các nhà trường, cũng có nhiều quan điểm khác nhau về môn Lịch sử nên là tự chọn hay bắt buộc. Theo nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, Lịch sử không nên tích hợp vào môn khác, nó phải thành một môn riêng. Chỉ có cái là phải viết lại sách Lịch sử. Lâu nay sách Lịch sử viết cho những người nghiên cứu lịch sử chứ không phải cho người học Lịch sử, bắt HS nhớ những sự kiện Lịch sử quá chính xác khiến HS vất vả. Lịch sử cần phải nắm được, nhớ được nhưng không cần quá chi li…

Cũng mong muốn Lịch sử là môn bắt buộc, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa (Trường Phổ thông DTNT, THPT tỉnh Yên Bái) cho rằng: Bộ GD&ĐT thay đổi theo hướng đổi mới nhưng lại xa rời truyền thống. Điều quan trọng, khi Lịch sử không trở thành môn học bắt buộc thì các em sẽ không có thời gian để đầu tư cho môn này.

Nhìn theo hướng khác, cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) nói: Lịch sử là môn tự chọn thì tương đối phù hợp. Hiện nay HS được phép tự chọn dựa trên năng lực của bản thân. Các em có thể chọn môn các em thích sau đó khám phá, tìm tòi để mang lại hiệu quả.

Về việc môn Lịch sử ít được HS chọn để thi, cô Thuận khẳng định, phải nhìn từ nhiều phía. Về phía các thầy cô, khi HS không chọn môn học của mình, cũng giống như là các cô gái, các chàng trai không đến với mình thì phải xem lại dung nhân, phẩm hạnh, cái duyên của nhà mình. Nghĩa là các thầy cô phải xem lại cách thức dạy của mình, nhà trường xem lại cách thức tổ chức, SGK có chỗ nào chưa kích thích được HS, mong muốn HS học xong thì phải đạt được cái gì?

Cô Thuận nói thêm: Với chương trình mới, môn Lịch sử có thể cho các em học sự kiện, phân tích sự kiện, đánh giá sự kiện, đôi khi được đóng vai trò của nhà lịch sử sẽ khiến các em hứng thú hơn. Hoặc học Lịch sử phải thông qua những clip, bộ phim, tại chính nơi xảy ra lịch sử đó. Hay các em đến thăm các đền thờ, di tích... Trên thành phố các em được học bằng máy chiếu, nhưng ở nông thôn thì chỉ có sách giáo khoa và bản đồ. Với cách dạy này, giáo viên sẽ phải tự mình soạn giáo án, lên kế hoạch cho từng phần.

Tất nhiên là với 45 phút, 1 mình cô giáo nói thì các em sẽ chán. Giáo viên có thể giao bài cho các em làm để tự hiểu. Ở trường có nhiều hoạt động, không nhất thiết là học trên lớp. Theo chương trình của Bộ GD&ĐT thì rất tốt, chỉ có điều khi áp xuống thì điều mỗi nơi một khác nên người ta ngại làm (điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Vẫn 'nóng' môn lịch sử