Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Dù Chính phủ xin lùi thời gian lại 1 năm nhưng nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn lùi 1 năm liệu có xong?
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên): Chính phủ đề nghị cho lùi 1 năm để hoàn thành các công việc nhưng tôi thống kê còn 30 đầu việc nữa liệu có thực hiện được tất cả vấn đề đó không?
Lùi 1 năm hay 2 năm?
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đến nay việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020; đối với cấp THCS từ năm học 2020 -2021; và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022. Theo đó, lộ trình năm học 2019 -2020: Lớp 1; năm học 2020 -2021: Lớp 2 và lớp 6; năm học 2021-2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022-2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2023 -2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12. “Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm” - Bộ trưởng Nhạ cho hay.
ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng, thời gian triển khai chậm 1 năm nhưng công việc liên quan tới rất nhiều vấn đề. Để kịp thời gian, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện xây dựng ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; biên soạn sách giáo khoa trong chương trình mới chuẩn bị các điều kiện để giáo viên cán bộ quản lý, cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa; làm rõ các quan điểm khác nhau trái chiều trong đổi mới chương trình sách giáo khoa nhằm tạo sự đồng thuận cho xã hội.
Theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu): Tại kỳ họp thứ 2 khi chất vấn Bộ trưởng, Bộ trưởng nói đang tiến hành giai đoạn 1. Phải ban hành 4 thông tư nhưng mới ban hành được 2 thông tư, 2 cái đang xây dựng. Tháng 11-2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết. Năm 2015 Thủ tướng có Quyết định 404, còn Bộ Giáo dục và đào tạo có Quyết định 2632 lộ trình thực hiện đề án. “Đến nay nếu thực hiện đúng như Nghị quyết 88 thì giờ đã xong giai đoạn 1 và ở giai đoạn 2. Nhưng đến nay giai đoạn 1 chưa xong mà giờ lùi 1 năm liệu có kịp hay không? Nếu chưa xong phải lùi xa thêm” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Nói như lời ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) thì: Chính phủ đề nghị cho lùi 1 năm để hoàn thành các công việc nhưng tôi thống kê còn 30 đầu việc nữa liệu có thực hiện được tất cả vấn đề đó không? Thời gian cần và đủ là bao nhiêu? Lùi 1 năm đã đủ chưa? Đặc biệt có việc rất quan trọng như đào tạo giáo viên dạy các môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vậy 1 năm có đủ để đào tạo giáo viên này không? Do đó đề nghị Chính phủ cần báo cáo đầy đủ với Quốc hội và đề nghị Chính phủ cam kết với Quốc hội”.
Nếu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.
1 đồng tiền thuế của dân cũng phải tiết kiệm
Bày tỏ băn khoăn về tính lãng phí khi lùi thời gian, theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) Đề án thực hiện 3 năm, từ năm 2015 cho đến nay. Theo lộ trình thì từ 6-2016 đến 7-2018 phải ban hành được sách lớp 1, 6, và 10. Vậy sau 3 năm làm được bao nhiêu sản phẩm? Mất bao nhiêu tiền? Và còn bao nhiêu tiền? Không biết tiêu tốn bao nhiêu tiền mà giờ lại cho kéo dài, bởi kéo dài sẽ làm tăng kinh phí vì phải có người làm. “Lúc đầu nói đề án hết 778 tỷ đồng cho chương trình nhưng giờ Tờ trình lại nói 80 triệu USD, tức là 1798 tỷ đồng, vậy số tiền là bao nhiêu? Không chắc chắn thì lùi nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí, 1 đồng tiền thuế của dân cũng phải tiết kiệm, phải làm cho hiệu quả, nếu lãng phí là có tội”-ông Cầu nói.
Giải trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đối với chương trình đến nay mới tiêu 48,8 tỷ đồng, như vậy mới tiêu hơn 2 triệu USD chứ chưa tiêu nhiều. Còn đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới tiêu 2,3 tỷ đồng. Như vậy mới tiêu được hơn 50 tỷ đồng, còn lại đang trong kế hoạch.“Chúng tôi cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này” - ông Nhạ nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc chậm thực hiện có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là việc đổi mới còn chậm, không đúng lộ trình của Quốc hội đề ra. Vì vậy đa số đại biểu đồng ý về thời gian lùi chương trình và sách giáo khoa mới là 1 năm và áp dụng từ năm 2019-2020. Tuy nhiên cũng có ý kiến lùi 2, hay 3 năm để có thời gian chuẩn bị. Do vậy cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm, và có giải pháp tránh lặp lại những bất cập khi thực hiện Nghị quyết 88. Qua đó tập trung tập huấn cho giáo viên, cơ sở vật chất cho đổi mới, sử dụng kinh phí tiết kiệm hiệu quả, công khai minh bạch. “Để thận trọng đề nghị UBTVQH nghiên cứu chỉ đạo hoàn thiện Nghị quyết và xin ý kiến ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua, kể cả các phương án lùi 1, 2, hay 3 năm”-Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.