Là tỉnh có nhiều huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, nên Cao Bằng được Nhà nước quan tâm dành cho nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tỉnh này từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ tại tỉnh Cao Bằng có nhiều “góc khuất”.
Chi sai số tiền khủng
Tỉnh Cao Bằng có diện tích 6.700 km2, dân số trên 50 vạn người trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, năm 2012 toàn tỉnh Cao Bằng có số hộ nghèo 33.545 hộ, hộ cận nghèo 7.022 hộ. Đến năm 2015, số hộ nghèo còn 19.494, hộ cận nghèo 11.181 hộ.
Được biết, tổng kinh phí phân bổ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 tại Cao Bằng trong giai đoạn 2012- 2015 là 1.748,485 tỷ đồng, đã thực hiện và quyết toán 1.638,813 tỷ đồng (đạt 94%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 30a và Chương trình 135 tại Cao Bằng còn có nhiều bất cập, tồn tại. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện Hà Quảng có nhiều sai phạm. Cụ thể, chi hỗ trợ văn phòng UBND huyện Hà Quảng từ năm 2012 đến hết năm 2015 với tổng số tiền 599,7 triệu đồng trái với Thông tư số 10/2011/TT-BTC ngày 26/11/2011 và Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 của Bộ Tài chính. Đồng thời, Ban quản lý dự án huyện Hà Quảng cũng chưa lập đủ các tài liệu kế toán, báo cáo tài chính theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất tại Hà Quảng cũng có khoản chi hỗ trợ vượt định mức…
Tại huyện Bảo Lạc cũng xảy ra các sai phạm tương tự. Mới đây, qua kiểm tra xác minh công tác quản lý xây dựng tại công trình giao thông nông thôn Khuổi Cắt đi Thôn Trang, xã Hồng Trị (thuộc nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết 30a), ngành chức năng có thẩm quyền phát hiện chủ đầu tư dự án đã không giám sát khâu khảo sát xây dựng, không có nhật ký khảo sát, giám sát. Không lập, phê duyệt báo cáo thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu trước khi phê duyệt báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu. Thậm chí, chủ đầu tư phê duyệt quyết toán thừa, làm tăng giá trị khảo sát số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Phê duyệt sai khối lượng đào nền đường bằng thủ công tương ứng số tiền 223,692 triệu đồng. Đặc biệt, chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành không căn cứ vào thực tế thi công. Chủ đầu tư cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản ký kết trong hợp đồng đã ký với các nhà thầu với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện một số khoản chi với số tiền lên tới 300 triệu đồng tại Ban quản lý dự án huyện Bảo Lạc chi không đúng quy định. Trong các năm 2012, 2013, 2014, Phòng NN&PTNT huyện Bảo Lạc thực hiện nhiều hợp đồng mua bán cây trồng, vật nuôi hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng nhưng không có quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc.
Điển hình như, năm 2014 kinh phí được giao mua cây Trúc Sào giống hỗ trợ người dân chuyển đổi giống cây trồng là 2.782,320 triệu đồng, Phòng NN&PTNT Bảo Lạc đã thực hiện theo hình thức mua bán trực tiếp, mua gom trong dân, thanh toán bằng tiền mặt thông qua giấy biên nhận của những người bán. Tuy nhiên các hợp đồng mua bán trực tiếp nêu trên do Phòng NN&PTNT Bảo Lạc thực hiện đều chưa có quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Được biết, trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo thì Sở LĐTB&XH Cao Bằng vừa là đơn vị lập dự toán, vừa là đơn vị kế toán thực hiện nhiệm vụ phân bổ kinh phí chi thường xuyên và kinh phí thực hiện chương trình. Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH lập nhiều hệ thống sổ sách kế toán chưa phù hợp với quy định. Ngoài ra, hồ sơ thanh toán công tác phí cho cán bộ giám sát hoạt động rà soát hộ nghèo thiếu công lệnh cử đi công tác, báo cáo kết quả giám sát.
Sau khi phát hiện các sai phạm, ngành chức năng có thẩm quyền đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các huyện trong việc triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, chỉ đạo Sở LĐTB&XH, UBND huyện Hà Quảng, huyện Bảo Lạc chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm. Ngành chức năng cũng đề nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 720 triệu đồng chi sai nguyên tắc tại huyện Hà Quảng, chỉ đạo thu hồi số tiền 845 triệu đồng gồm các khoản chi sai tại huyện Bảo Lạc…