Kinh tế

Chương trình 'mỗi xã một sản phẩm': Vẫn loay hoay tìm đầu ra

M.Sang 25/11/2023 10:39

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cho đến nay vẫn khá bấp bênh. Nhiều sản phẩm khó đầu ra.

anhbaitren(1).jpg
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng với những sản phẩm OCOP rất riêng đã và đang thu hút lượng lớn khách du lịch. Ảnh: M.Sang.

OCOP tạo nên diện mạo mới

Hiện nay, sản phẩm OCOP có giá trị ngày càng cao, tác động tích cực và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị văn hoá vùng miền. Đáng ghi nhận nhiều làng quê đã thay da đổi thịt, thoát nghèo nhờ triển khai chương trình OCOP. Không chạy theo phong trào, tỉnh Nghệ An xác định phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững, lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo. Nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, thể hiện tính bứt phá đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh, biến diện mạo nông thôn mới nơi đây ngày một khởi sắc.

Nhờ đó đến nay, sau hơn 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, toàn tỉnh Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Con số trên giúp tỉnh Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội) và cũng khẳng định được vị thế của địa phương này trên bản đồ OCOP Việt Nam.

Cũng như Nghệ An, hiện ở nhiều địa phương trong cả nước phong trào OCOP đã phát triển mạnh mẽ và trở thành hướng đi mũi nhọn kinh tế tại các làng quê. Theo thống kê, hiện trên cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP và một số mặt hàng đã trở thành sản phẩm du lịch. Nước mắm Phú Quốc là ví dụ thành công của mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản phẩm OCOP.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam Hồ Kim Liên cho biết, với lịch sử 200 năm, sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng đảo, từ đó thu hút khách du lịch tới đây.

Làng sinh vật cảnh ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng đang phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm OCOP. Từ đầu những năm 2000, người dân xã Hồng Vân đã phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh. Năm 2008, nhiều làng ở Hồng Vân được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Năm 2012, xã tiến hành dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Cuối năm 2022, điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. 9 tháng đầu năm 2023, xã Hồng Vân đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu từ du lịch đạt trên 6 tỉ đồng.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như những “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn.

Mặc dù vậy, nhiều địa phương đã có sẵn nguồn sản phẩm phong phú, nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cho đến nay vẫn khá bấp bênh. Nhiều sản phẩm khó khăn về đầu ra, rơi vào tình trạng được mùa mất giá, nhất là các mặt hàng nông sản.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay, sở dĩ sản phẩm OCOP còn “bí” đầu ra do tư duy của người sản xuất sản phẩm OCOP vẫn mang tính nhỏ lẻ. Đặc biệt khâu bao bì, tiếp thị chưa được chú trọng.

“Để có được chỗ đứng tại thị trường, các chủ thể sản xuất ra sản phẩm OCOP phải hình thành được điểm khác biệt của mình so với các sản phẩm cùng chủng loại. Bởi nếu làm sản phẩm đại trà thì sẽ không có lợi thế về giá, phải bán giá thấp để cạnh tranh. Nhưng nếu làm sản phẩm ở quy mô nhỏ nhưng có sự khác biệt, độc đáo thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn” - ông Tiến nhấn mạnh.

Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tại thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mỗi chủ cơ sở sản xuất phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ phía khách hàng. Đồng thời, mỗi cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp phải phấn đấu trở thành một doanh nghiệp, xác định bán sản phẩm nào, trên kênh nào, tại thị trường nào…để có thể đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho cơ sở của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình 'mỗi xã một sản phẩm': Vẫn loay hoay tìm đầu ra