Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Thuận Châu, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Toàn huyện có 29 xã, thị trấn thì có đến 24 xã vùng III đặc biệt khó khăn. Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; tổ chức đào tạo nghề cho người lao động.
Trong giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 390 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, địa phương cũng tập trung nguồn lực hỗ trợ cá giống, bê giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở 4 xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè với tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng… Với sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 23,7%, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 12,9%.
Còn tại huyện Sốp Cộp, trong 3 năm gần đây từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, nhiều dự án, công trình thiết yếu được triển khai xây dựng đã từng bước cải thiện đời sống của người dân. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn lực của chương trình, địa phương đã tập trung hỗ trợ các hộ dân mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung nguồn vốn được giao để tiến hành bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn; hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng giao khoán cho người dân bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ 13 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...
Theo ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, diện mạo vùng DTTS đặc biệt khó khăn của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 21,6 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, đến nay chỉ còn khoảng 14,17%.
Hiện, 199/204 xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 97,5% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có trụ sở làm việc, trạm y tế xã; 96,85% bản có nhà văn hóa; 100% các trường học ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh các cấp học.
Trong năm 2024, tổng vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình MTQG của tỉnh Sơn La là 3.454 tỷ đồng. Hiện các địa phương trên địa bàn đang tập trung giải pháp để thực hiện có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, từ nguồn vốn được giao tỉnh sẽ tập trung giải ngân để đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đưa nước sạch sinh hoạt đến vùng đồng bào DTTS.
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4-5%/năm và có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm toàn tỉnh giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, có 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho trên 20.000 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 3.100 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.