Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đoàn Tây Ninh phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ, ngày 9/6.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình Quốc hội chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc-Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Theo đó, 3 dự án thành phần (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước.
Lý giải cho việc chuyển đổi trên, theo ông Thể là do theo kết quả sơ tuyển 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Chính phủ cho rằng: Các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính.
Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Theo ông Thanh, việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.
Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn-Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, ông Thanh lý giải: “Mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 2 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này. Đây cũng là 2 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây-Phan Thiết.
Tuy nhiên ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, lý giải của Chính phủ chưa được “mạch lạc lắm”. Bởi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển do đó, cần thiết phải chuyển đổi. Tuy nhiên đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn-Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây có nhà sơ tuyển vậy tại sao lại cho chuyển sang đầu tư công?
Ông Hùng nêu vấn đề: “Tại sao không huy động nguồn lực, tránh dùng ngân sách Nhà nước ra đầu tư vì cả 2 dự án đều có sơ tuyển. Nhất là 2 dự án trên có lưu lượng xe rất lớn, do đó không có lý gì các nhà đầu tư lại không tham gia? Khi khả năng thu phí là rất lớn”.
ĐBQH Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên).
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Do đây là dự án trải dài từ Bắc-Nam nên sơ tuyển lần đầu đã có nhiều ý kiến lo lắng về vấn đề an ninh, sợ doanh nghiệp nước ngoài vào nên chủ trương sơ tuyển loại doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp trong nước nhưng có liên kết với nước ngoài. Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển vì vậy việc chuyển đổi là đúng. 2 dự án còn lại có nhiều PPP, các doanh nghiệp còn ngồi đếm xe xem 1 ngày có bao nhiêu chiếc qua.
Tuy nhiên đây là khu vực nối 2 đầu đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ chuyển 2 dự án này sang đầu tư công để triển khai nhanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Dù đầu tư công nhưng có phương án thu phí trả Nhà nước để Nhà nước tiếp tục đầu tư.
Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.