Chuyến công du nước ngoài đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump- được ví như một cuộc chạy đua gồm 5 điểm dừng chân trên khắp khu vực Trung Đông và châu Âu, từ lâu đã được đánh giá là một phép thử đầu tiên cực kỳ quan trọng đối với một vị lãnh đạo đang bị bao vây bởi tình trạng hỗn loạn trong nước.
Nhưng từ trước khi Tổng thống Trump ra quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey, thì chuyến công du này nhận được đánh giá như trên. Giờ đây, khi mọi con mắt trên thế giới đang đổ dồn về ông, lãnh đạo của nước Mỹ đã bắt đầu chuyến công du trong bối cảnh nhiều bê bối đang bủa vây ông trong nước.
Sứ mệnh lần này của ông sẽ là tìm cách trấn an các đồng minh vốn đang lo ngại về thông điệp “Nước Mỹ trên hết” mà ông từng đưa ra.
“Chưa từng có một vị Tổng thống nào có chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình lại bị bủa vây bởi bê bối như thế này”- Larry Sabato, giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị trường ĐH Virginia nhận định. “Và dù viễn cảnh chuyến công du này là tốt, nhưng Nhà Trắng vẫn khó có thể thay đổi cục diện trong nước”.
Chuyến công du lần này của Tổng thống Mỹ được cho là hết sức kịch tính khi các đồng minh của Mỹ tỏ ra quan ngại trước những cảnh báo về việc Mỹ thu mình trước thế giới của ông; gần đây nhất là bằng quyết định cấm người Hồi giáo tới Mỹ. Thêm vào đó, trong tuần trước, ông Trump tiếp tục khiến tình hình phức tạp hơn bằng bê bối để lộ thông tin tình báo mật.
Tuy nhiên, các cố vấn của ông Trump vẫn nhìn nhận chuyến công du này như một cơ hội hiếm có để đảo ngược tình hình hỗn loạn hiện tại ở trong nước.
Được biết, cố vấn quyền lực của ông Trump, chính là con rể ông Jared Kushner, đã dẫn dắt một đội ngũ Cánh Tây Nhà Trắng vạch ra chương trình nghị sự cho chuyến công du lần này.
Tại điểm dừng chân đầu tiên, Arab Saudi, Tổng thống Trump- người từng đưa ra luận điệu chống người Hồi giáo và từng ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với nhiều quốc gia Hồi giáo lớn sẽ có bài phát biểu trước thế giới Hồi giáo, điều tương phản với chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Obama trước kia tới khu vực này.
Tại Israel, ông Trump sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tìm cách xoa dịu bầu không khí căng thẳng giữa hai bên.
Israel hồi đầu tuần đã tỏ ra tức giận sau khi giới chức Mỹ xác nhận việc Trump hé lộ thông tin tình báo mật liên quan tới phiến quân IS với giới chức cấp cao của Nga khi họ tới thăm Nhà Trắng. Được biết thông tin tình báo trên là do Israel cung cấp, bởi vậy Israel hoàn toàn có lý do để lo lắng rằng tài sản trí tuệ của họ bị đe dọa khi chia sẻ với Mỹ.
Tại Brussels, ông Trump sẽ tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của NATO, khối đồng minh quân sự mà ông từng liên tiếp lên tiếng cảnh báo rút khỏi bởi các nước thành viên không chia sẻ công bằng gánh nặng tài chính. Mới đây, Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm, chuyển sang tái cam kết với khối đồng minh này rằng ông sẽ giữ vững vai trò của Mỹ trong khối.
Và tại Sicily (Italy), Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo thuộc nhóm G7, nơi tụ hội các nền kinh tế phương Tây phát triển nhất. Các đối tác chủ chốt của nhóm này thời gian qua đã tỏ ra quan ngại về sự khó đoán của ông Trump cùng những tuyên bố ám chỉ ông ủng hộ chủ nghĩa dân túy ở một số nước.
Hành trình công du của Tổng thống Trump lần này cũng mang tính biểu tượng tôn giáo rất cao. Ông sẽ tới thăm nơi xuất xứ của đạo Hồi, quê hương của người Do Thái và tòa thánh Vatican. Giới chức Mỹ cho rằng thông điệp của chuyến công du này chính là “sự đoàn kết”.
“Ông ấy tin tưởng vững chắc rằng chính sức mạnh của niềm tin vào con người ở các tôn giáo này cuối cùng sẽ chiến thắng các thế lực khủng bố” – Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay.
Giới chức chính quyền Mỹ cũng tin rằng việc lựa chọn Arab Saudi làm điểm dừng chân đầu tiên cho thấy Tổng thống Mỹ đang nhấn mạnh vào cam kết chống lại các tổ chức cực đoan như IS.
Nhưng trong khi giới lãnh đạo Trung Đông sẽ tiếp đón ông Trump một cách nồng hậu, thì ông có thể vấp phải sự lạnh nhạt ở châu Âu.
Dù Giáo hoàng Francis từng nói rằng ông “không bao giờ đánh giá một con người mà chưa nghe người đó nói”, thì những chính trị gia khác ở châu lục này lại chỉ trích ông Trump mạnh mẽ.
Một trong những người đó chính là tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng lên án ông Trump vì đe dọa tới Hiệp ước biến đổi khí hậu Paris.
Việc ông Trump tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua cũng làm dấy lên làn sóng biểu tình ở nhiều thủ phủ của châu Âu, và tình trạng hỗn loạn đó có khả năng sẽ lặp lại ở Rome, Brussels và Sicily- những nơi ông tới thăm.