Chuyện của cô gái Tày ở vùng cao

Đại Hùng 09/02/2022 13:30

Là thạc sĩ ngành nông nghiệp, nhiều năm làm việc tại trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), cô kĩ sư nông nghiệp trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa đã chia sẻ về giống, kỹ thuật canh tác đồng bào vùng cao, với mục tiêu từng bước giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Kĩ sư Trịnh Thanh Hòa hướng dẫn người dân chăm sóc cây Sachi.

Điều kỳ diệu trên non cao

Vốn quen với cây ngô, cây sắn trồng trên đồi theo phương thức sản xuất cũ lạc hậu, hiệu quả thấp. Vất vả làm lụng quanh năm, năm nào gia đình chị Lường Thị Dòm (xóm Trung Tằm, xã Trung Thành, Đà Bắc, Hòa Bình) đủ ăn đã là may mắn. Ấy vậy, trong 1 - 2 năm qua, cuộc sống của gia đình chị đã không chỉ đủ ăn mà bắt đầu còn có của để dành phòng khi đau ốm…

Trên thực tế, không riêng gia đình chị Dòm mà ở nhiều xã vùng cao, vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà khi xưa, nhiều hộ dân từ chỗ là hộ nghèo “thâm căn cố đế” nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, thậm chí có gia đình từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ có điều kiện khá giả trong xã.

Có được điều “kỳ diệu” này, theo ông Hà Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành là do các hộ dân này đã mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ bỏ các loại cây truyền thống để chuyển sang trồng cây Sachi. Để có thành quả như ngày hôm nay, có công rất lớn của cô kỹ sư nông nghiệp Trịnh Thanh Hòa, một kĩ sư nông nghiệp trẻ người Tày đang công tác tại UBND huyện.

Chúng tôi gặp Hòa ngay giữa vùng nguyên liệu xanh mướt của cây Sachi - xã Trung Thành, một xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn bậc nhất của huyện Đà Bắc. Hòa kể: Ngay từ khi còn bé, em hay được mẹ là một cán bộ khuyến nông - khuyến lâm huyện cho đi công tác, cùng về những nơi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện. Từ những chuyến đi thực tế, được thấy cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân, chẳng biết từ khi nào đã hình thành trong em một hoài bão, lớn lên sẽ phải làm được những điều có ý nghĩa với cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp và bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ ngành Nông nghiệp, Hòa quyết định trở về quê hương. Trở thành một cán bộ công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc chính là điều kiện thuận lợi để cô thường xuyên có mặt ở các xã để khảo sát, tham mưu cho huyện, xã định hướng cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Qua những chuyến “nằm vùng” ở cơ sở, rồi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh bạn, Hòa đã tích lũy được rất nhiều điều.

Năm 2016, Hòa mạnh dạn xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây Sachi trên địa bàn huyện Đà Bắc. Đề án được thông qua, cô đi đến từng xóm, xã vận động người dân và kết nối với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Tháng 7/2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình mà Hòa là thành viên Ban quản trị đã đưa cây Sachi về trồng thử nghiệm tại 6 xã của huyện.

Sachi là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu), có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon. Trong khi diện tích trồng Sachi của nước ta còn khá khiêm tốn với khoảng 500 ha. Nhìn thấy tiềm năng, Hòa lặn lội vào Tây Nguyên để học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Sachi để mang về trực tiếp truyền đạt lại cho người dân theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ đó, từ 15ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, diện tích trồng Sachi ở Đà Bắc và các huyện khác trong tỉnh đã phát triển, mở rộng lên gần 200ha. Để có diện tích như vậy, Hòa đã đứng ra vận động, liên kết với các hộ dân trong huyện cung cấp giống và đảm bảo đầu ra. Hiện nay, vùng nguyên liệu cây Sachi của Hòa đã ổn định. Bình quân mỗi 1ha là 3 hộ dân tham gia. Với diện tích như hiện nay, đã tạo nguồn sinh kế bền vững cho khoảng 280 hộ dân.

Hòa cho biết: Đây là cây trồng ngắn ngày, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên là 8 tháng, nên bà con quay vòng vốn rất nhanh. Xác định hướng sản xuất lâu dài với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết (liên kết giữa doanh nghiệp với hội nông dân), từ đó tận dụng được đất đồi hoang hóa chuyển đổi sang trồng cây Sachi có giá trị kinh tế cao. Hướng sản xuất này góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động nông nhàn ở địa phương.

Đến nay, dự án trồng cây Sachi của cô kỹ sư trẻ đã đem về nhiều mùa quả ngọt. Ngay trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm, doanh thu dự án đạt 1,3 tỷ đồng. Sang năm 2019, đạt trên 2,5 tỷ đồng và ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số công ty, đơn vị...

Ngoài bao tiêu các sản phẩm thô, từ năm 2020, HTX của Hòa đã hướng tới sản xuất các sản phẩm chủ lực như dầu omega 3, hạt rang sấy, một số sản phẩm khác như trà sachi, bột protein, rau sachi an toàn làm gia tăng giá trị sản phẩm và được khách hàng đón nhận tích cực…

Chị em phụ nữ xã Trung Thành (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) tham gia chuỗi liên kết, trồng cây trên đất bãi.

Cơ hội “bơi” ra biển lớn

Từ những kiến thức học hỏi được trong môi trường đại học, đặc biệt là từ thực tế thấu hiểu về đặc tính khí hậu, đặc điểm địa lý, tính chất thâm canh, nguồn nhân lực... tại các xã vùng cao Đà Bắc, Hòa đã lựa chọn cây gai lai để thực hiện dự án như một “điểm nhấn” trong sự nghiệp của mình. Cây gai lai có mức độ đầu tư thấp, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Một năm thu hoạch 4 - 5 lứa, trồng một lần thu hoạch hơn 10 năm. Bình quân đạt 100 - 120 triệu/ha. Thời gian hoàn vốn nhanh chỉ trong khoảng 1 năm. Cây có sức sống khỏe, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp khí hậu nóng ẩm, có thể canh tác trên đất dốc, độ che phủ bề mặt lớn, góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi ở địa hình miền núi như huyện Đà Bắc.

Theo đánh giá, đến nay, Dự án của Hòa đã thực hiện được trên 60% hạng mục công việc đề ra. Trong năm 2021 đã vận động các hộ dân trồng được trên 20ha cây gai lai và cho thu hoạch 2 vụ. Dự kiến, đến tháng 4/2022 phấn đấu trồng mới xong 50ha cây gai xanh tại xã Trung Thành theo hình thức liên kết chuỗi giá trị từ nông dân - HTX - nhà máy sợi. Đặc biệt, dù dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện nhưng đã ký hợp đồng đầu ra với các nhà máy, công ty dệt sợi như Nhà máy dệt sợi Vinatex Nam Định, Công ty cổ phần dệt kim Vinatex-Hanoisimex (Hưng Yên)...

“Bên cạnh sản phẩm sợi gai khô, các phụ phẩm sau thu hoạch của cây gai được ủ phân vi sinh hữu cơ, bón trở lại cho cây trồng thành chuỗi tuần hoàn, một phần ủ chua làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc và thủy sản trong vùng. Còn một phần lá được bán cho các cơ sở làm bánh gai trong và ngoài tỉnh. Hết vòng sinh trưởng, phần củ gai được khai thác cung cấp cho các cơ sở sản xuất dược liệu” - Hòa cho biết thêm.

Hiện nay, cây gai lai trồng tại xã Trung Thành đang tạo cơ hội việc làm cho khoảng 120 - 150 người dân trong xã, phần nhiều là phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự kiến khi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định 100ha thì đối tượng là phụ nữ được nâng cao năng lực khoảng 300 người. Đây là cơ hội để người phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận, áp dụng các kiến thức mới về nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu... thông qua trồng cây gai lai làm hàng hóa.

Điều đáng mừng là khi cây gai lai “bén rễ” trong dự án mới của Hòa được 1 năm thì cũng là lúc nó mang đến cho chủ nhân một niềm vinh dự đặc biệt: Giải Vàng cuộc thi “Thách thức kinh doanh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số có sáng kiến khởi nghiệp và kinh doanh đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương do Liên minh châu Âu và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ; thực hiện bởi tổ chức Aide et Action, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc cùng Hội Liên hiệp Thanh niên 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai.

Cùng với đó, dự án trồng cây gai lai đã được Chương trình VCIC CONNECT “Chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường” do Ban quản lý dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” (VCIC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn (cùng 22 dự án khác trong cả nước) tham gia chương trình.

Dự án của cô kỹ sư trẻ Trịnh Thanh Hòa là 1 trong 7 dự án được lựa chọn với mức vốn đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp lên tới hơn 10 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, Hòa vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn. Đây là những ghi nhận đáng quý, tiếp thêm sức mạnh để cô gái dân tộc Tày tự tin “bơi” ra biển lớn, nối dài thêm hành trình truyền lửa, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số quê hương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện của cô gái Tày ở vùng cao