Chuyên gia phụ trách kiểm dịch thực vật trái cây xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã đến Việt Nam, hoàn thành thời gian cách ly y tế và bắt đầu làm việc trở lại, việc này sẽ giúp khai thông hoạt động xuất khẩu trái cây vào thị trường Hoa Kỳ sau thời gian bị hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tin này được Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố tại họp báo về kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/9 .
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tháng 3 vừa qua ông Timothy Westbrook- chuyên gia kiểm dịch thực vật người Hoa Kỳ, phụ trách công việc kiểm dịch trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải trở về nước, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ kiểm dịch trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Để tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đại diện Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tại Hà Nội, đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ tạm thời cử cán bộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và nhân viên của Văn phòng APHIS từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh kiêm nhiệm việc giám sát xử lý chiếu xạ. Nhờ vậy, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu được trên 2.000 tấn trái cây tươi sang Mỹ.
Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và đặc biệt là cán bộ của Văn phòng APHIS Hà Nội để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật, góp phần thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Theo công bố của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam hiện có 6 loại hoa quả được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.
Công việc quan trọng của nhân viên kiểm dịch là trước khi đưa hoa quả vào chiếu xạ (theo quy định, chiếu xạ là khâu bắt buộc phải có đối với việc xuất khẩu hoa quả sang Mỹ) sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch, cắt ra rồi quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật hay không.
Trường hợp, sản phẩm không có vi sinh vật, nghĩa là đạt yêu cầu thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại nếu không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.