Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, chính quyền và người dân đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phòng chống và sản xuất thuận theo điều kiện tự nhiên…
Ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long phải kể đến là hạn mặn. Những năm gần đây, nhất là từ mùa khô năm 2015-2016 một đợt hạn mặn được xem là sự kiện lịch sử mấy trăm năm mới có một lần khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây chao đảo. Nguồn nước ngọt và phù sa sụt giảm, nước mặn từ biển Đông, biển Tây tiến sâu vào nội đồng thông qua hệ thống kênh, rạch khiến nhiều địa phương gần như không đủ nước để sử dụng cho sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng. Những cánh đồng bạc trắng, nứt toác vì thiếu nước. Những vườn cây ăn quả chết khô vì nhiễm mặn. Nhiều người phải bỏ đồng bỏ ruộng lên thành phố tìm kế mưu sinh…
Tuy nhiên, từ tác động của BĐKH đã khiến người dân rút ra được những bài học quý giá, thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác và luôn trong tâm thế chủ động để thích ứng trước các yếu tố cực đoan từ BĐKH.
Một số người dân xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, vùng đất An Mỹ nằm sát bên dòng sông Hậu bao năm vẫn luôn dồi dào nguồn nước giờ lại xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến hàng trăm hecta đất ruộng vườn phải bỏ không vì hạn hán, xâm nhập mặn. Thế nhưng xác định sống chung với BĐKH, hiện nay vào mùa khô, nhiều hộ dân trong xã đã lên liếp ruộng trồng cây màu, đến mùa mưa nhiều nước thì san đất ra trồng lúa, mùa nào trồng cây ấy. Nhờ đó đã làm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; đồng thời, cũng giúp cho người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trên chính thửa ruộng của mình.
Cũng chung suy nghĩ phải chuyển đổi canh tác để thích ứng với BĐKH người dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: “Do thời tiết thay đổi, nguồn nước suy kiệt nên hầu hết nông dân ở xã Nhơn Nghĩa không còn cố bám vào cây lúa nữa mà lên liếp trồng cây ăn trái, rau màu. Với việc chuyển đổi cây trồng này, nông dân không còn lo thiếu nước, trồng trọt cũng khỏe hơn và điều quan trọng là thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Khi so sánh trên cùng một diện tích đất thì mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích đất lúa, người dân có thu nhập cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần và người dân không còn phải lo nghĩ nhiều về nguồn nước.
Cùng với chuyển đổi cây trồng thì sản xuất lúa theo cách “né hạn” cũng là một cách làm mới của người dân thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Rút kinh nghiệm thiếu nước, mặn xâm nhập từ năm trước, vụ màu Đông Xuân năm 2020, bà con xuống giống sớm 15 ngày để “né hạn, mặn”. Nhờ cách làm này nên năm 2020 người dân gần như không thiệt hại gì.
Cùng với những cách làm sáng tạo của người dân, thời gian qua, các cấp chính quyền vùng Đồng bằng sông Cửu long cũng tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân thích ứng với BĐKH. Đó là tiến hành chuyển đổi hàng ngàn hecta đất sản xuất lúa, mía,... kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con phù hợp với các vùng sinh thái nguồn nước ngọt, lợ, mặn; đồng thời, tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nâng cao thu nhập.