Du lịch

Chuyển đổi số: Đòn bẩy cho ngành du lịch

Minh Quân - Phạm Sỹ 23/03/2024 07:03

Thời gian qua, chuyển đổi số lan rộng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, cái “bắt tay” giữa du lịch và các sản phẩm công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong bối cảnh nhiều hãng công nghệ nước ngoài đang cạnh tranh làm về du lịch ở Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành Việt cần phải hết sức nỗ lực để thay đổi...

cover1.jpg
Du khách được hướng dẫn tải ứng dụng, quét mã QR nghe thông tin hướng dẫn về tour du lịch do Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông vừa triển khai cuối năm 2023. Ảnh: Hà Phong.

Những năm qua, việc áp dụng công nghệ đã mang đến cho ngành du lịch Việt Nam bộ mặt hoàn toàn mới. Từ những bước khởi động ban đầu, các ứng dụng công nghệ hiện nay đã được áp dụng rộng khắp tại nhiều địa phương, điểm đến.

Tín hiệu tích cực

Tính đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố có ứng dụng, phần mềm, trang web du lịch thông minh nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương. Sự thay đổi trong chuyển đổi số ngành du lịch đến từ những việc nhỏ như thay vé giấy bằng vé điện tử, QR-code đến ứng dụng những công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Có thể kể đến Huế với các sản phẩm du lịch thông minh như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping và các tiện ích khác phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ… Mới đây là ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport nhằm giúp du khách dễ dàng khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng, mang lại những trải nghiệm mới lạ, độc đáo hơn.

Tại Hà Nội, Sở Du lịch cũng đang đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu du lịch của Thủ đô; nâng cấp Cổng thông tin điện tử website của Sở Du lịch Hà Nội, đảm bảo hiện đại, thuận tiện cho du khách và người dân truy cập, thường xuyên cập nhật các hoạt động, sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước...

TPHCM thời gian qua cũng đã ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, trong đó có ứng dụng công nghệ cao quét 3D từ trên cao và Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TPHCM, với tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D, dữ liệu video, hình ảnh 2D, audio ngôn ngữ Việt - Anh về các điểm đến đã quét, hệ thống tour tự động theo các chương trình tour của các doanh nghiệp (DN) lữ hành đã thiết kế.

Một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổ số là Đà Nẵng mới đây cũng đã cho ra mắt mô hình “Số hóa địa chỉ đỏ”, người dân, du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét QR Code là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật những thông tin về điểm di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Quảng Bình cũng đã thành công với dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Sa Pa (Lào Cai) cũng có ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý, triển khai phần mềm phản ánh hiện trường cung cấp các kênh tương tác của chính quyền với người dân...

Ngoài ra, nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa…cũng đã thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến văn hóa đầy tích cực.

anh-bai-tren(1).jpg
Hệ thống bán vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Tấn.

Cần chuẩn chung về dữ liệu kết nối

Có thể nói, việc áp dụng công nghệ với ngành du lịch Việt Nam đang được tích cực nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của ngành du lịch hiện nay vẫn đang thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau và đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, hiện các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam với khoảng 80% thị phần. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 DN Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến, như Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách nội địa với số lượng giao dịch còn thấp.

Theo chỉ số xếp hạng, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nhiều điểm đến du lịch như Ninh Bình, Hải Phòng, Lâm Đồng… hiện còn rất thấp. Đơn cử như Ninh Bình, hiện các thông tin về bảo tàng, hướng dẫn viên, điểm vui chơi... chỉ được đưa lên website. Vì chưa có dữ liệu chung nên ngành du lịch không thể chia sẻ, tra cứu, trích xuất thông tin. Đặc biệt, với các DN lưu trú nhỏ, việc thay đổi thói quen quản lý thủ công sang dùng công nghệ là một rào cản, nhất là các chủ DN lớn tuổi và các cơ sở ở khu vực mà việc tiếp cận các giải pháp thông minh còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng, trong bối cảnh nhiều hãng công nghệ nước ngoài đang cạnh tranh làm về du lịch ở Việt Nam, các DN lữ hành Việt cần phải có sự thay đổi lớn ngay và luôn. Bởi vì hiện nay các DN Việt còn thiếu và yếu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nếu như các DN nước ngoài có số vốn khổng lồ và vốn toàn cầu đầu tư vào công nghệ thì DN trong nước đang rất thiệt thòi, thậm chí đang bị thụt lùi rất xa. Để cạnh tranh một cách sòng phẳng, ngoài vấn đề kinh tế thì còn cả vấn đề về cơ chế. “Việc áp dụng vào công nghệ kỹ thuật số không thể làm được trong một sớm một chiều... Nhưng mục đích cuối cùng của chúng ta là phải đi theo khách hàng, đáp ứng theo nhu cầu của khách khàng” - ông Hùng chia sẻ.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Truyền thông và Chuyển đổi số (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Trương Công Hoan cho biết, tình trạng đua nhau xây dựng trang web, app mà chưa có quy chuẩn chung dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu bị hạn chế. Du khách không thể cứ đến mỗi địa phương lại cài 1 app tìm kiếm thông tin. Điều này sẽ rất bất tiện. Do đó, các DN du lịch rất cần chuẩn chung về dữ liệu và kết nối được với nhau. Chưa kể, hiện nay các tỉnh thành, đơn vị đều đang xây dựng trạng web, triển khai ứng dụng theo từng nhu cầu của đơn vị.

Một số ý kiến cho rằng, chuyển đổi số của du lịch Việt Nam đang “mạnh ai người đấy làm”, chưa có sự thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả. Nguyên nhân là do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc chuyển đổi số của ngành du lịch thiếu đồng bộ do thiếu hụt nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính còn hạn chế; phần khác là do tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị chưa cao.

Để việc chuyển đổi số trong du lịch đạt hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý cần định hướng xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc.

Đẩy mạnh số hóa các danh thắng

box-pham-van-thuy.jpg

Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa các điểm di sản, danh thắng. Triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích, loại bỏ vé giấy truyền thống và thay thế bằng việc sử dụng vé điện tử quét mã QR vào cổng, có thể sử dụng một vé duy nhất cho cả một đoàn khách. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm di sản, danh thắng trên các nền tảng số.

Tăng cường trải nghiệm bằng công nghệ

box-truong-cong-hoan.jpg

Theo Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Trương Công Hoan, các công ty lữ hành, điểm đến cần tăng trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách bằng các công nghệ: Thực tế ảo; bán vé, thuyết minh tự động; giao dịch và thanh toán điện tử... Du lịch cũng là một phần của nền kinh tế nên cần đổi mới tư duy để phát triển như một phần của kinh tế số. Các đơn vị cần sử dụng nhiều ứng dụng thông minh giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, trao đổi, trải nghiệm và thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số: Đòn bẩy cho ngành du lịch