Chuyển đổi số phục vụ người dân

HOÀI DƯƠNG 30/10/2022 06:47

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hóa sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Với chuyển đổi số, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều điều kiện để phát triển.

Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 29/10 tại TP Cần Thơ với chủ đề chính là phục vụ người dân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống tại khu vực này. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh: Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng. Theo đó, có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Đầu tiên là nhiệm vụ phát triển mạnh hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây; kế đến là nhiệm vụ thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số…

Theo ông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình. “Bên cạnh đó, vùng nên cân nhắc chọn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số. Cho phép, thúc đẩy đại học số. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số thì sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn học đại học. Đại học số thì nhiều người có thể học đại học. Đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…”, ông Phan Tâm gợi mở.

Tại hội thảo, chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa cho biết, chúng ta đều mong muốn chuyển đổi số nhanh, nhưng thời gian qua “làm hơi chậm”. Ông Hoa đánh giá cao hội thảo được tổ chức về thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu vào vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp. “Với chuyển đổi số, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, nếu nông nghiệp phát triển, nhiều yếu tố sẽ phát triển, đi theo”, ông Hoa nói.

Ông Hoa cho biết, trọng tâm của chuyển đổi số cần hướng đến là thông minh hóa quy trình sản xuất và thông minh hóa quy trình quản lý. “Chìa khoá nằm ở chỗ đó”, ông Hoa nói thêm. Cụ thể, ông Hoa nêu, để thông minh hóa quy trình quản lý, cần đưa máy móc vào để quy trình diễn ra chính xác, giảm thiểu can thiệp của con người, từ đó tạo ra quy trình mới.

Tăng mức đầu tư

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chuyển đổi số dù rất được quan tâm, nỗ lực, song quá trình này vô cùng khó và diễn ra chậm. Hiện đã có ý kiến đề xuất sớm có đạo luật về cơ sở dữ liệu, vì hiện nay, dữ liệu là lĩnh vực rất lớn, ai làm chủ được dữ liệu thông tin, người đó sẽ làm chủ về kinh tế và làm chủ thế giới. Thế nhưng chúng ta lại chưa có luật về dữ liệu, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hoàn chỉnh, khoa học. Bộ Công an có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, song có nhiều lĩnh vực khác chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nhận định dữ liệu là một tài sản, tài nguyên, có đặc thù rất đặc biệt, càng chia sẻ giá trị càng lớn, ông Quân cho rằng cơ sở dữ liệu càng nhiều người dùng, giá trị càng lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số còn thiếu, nhất là tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc. Do đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số, tăng mức đầu tư về nguồn lực vật chất và tài chính cho chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng ban Chuyển đổi số tài nguyên, môi trường và nông nghiệp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, hiện Việt Nam đã có đầy đủ hệ thống pháp lý để triển khai cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI), trong đó, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý có vai trò rất quan trọng, ví dụ như về đất đai, tài nguyên, nông nghiệp.

Ông Thắng đề xuất, cần thống nhất một khung tiêu chuẩn, sàn dữ liệu của quốc gia, của vùng, tránh “cát cứ” thông tin, dữ liệu về lĩnh vực này. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi để triển khai hạ tầng dữ liệu không gian địa lý để phát triển cho cả vùng. Cụ thể, dữ liệu tài nguyên, môi trường có liên hệ rất sâu với ngành nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần dựa trên các dữ liệu này chứ không phải theo truyền thống để lại. Do đó, ông Thắng cho rằng cần hình thành hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) của Đồng bằng sông Cửu Long về tài nguyên, đất đai, nông nghiệp và môi trường.

Từ phía địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin, hiện nay TP Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số. Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện… “Theo đánh giá, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc chuyển đổi số gắn với mục tiêu phục vụ người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng”, ông Hiển mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số phục vụ người dân