Người lao động trước thách thức chuyển đổi số: Thích nghi hay thất nghiệp?

LÊ ANH 28/10/2022 05:48

Không chỉ bị tổn thương bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, thị trường lao động, việc làm TP Hồ Chí Minh còn đang ghi nhận sự chuyển dịch lao động ở nhiều ngành nghề do tác động của chuyển đổi số. Xu hướng số hóa cũng khiến nhiều công nhân, người lao động đối diện với nguy cơ mất việc.

Khoa học công nghệ, công nghệ thông tin được dự báo sẽ đi đầu trong xu hướng chuyển đổi số. Ảnh: Hồng Phúc.

Những tác động rõ nét

Chị Nguyễn Hải Yến (32 tuổi, trú tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) vừa quyết định làm thủ tục nhận hỗ trợ thất nghiệp sau 3 tháng kết thúc hợp đồng với một công ty CP Xây dựng công trình hàng hải tại quận 4, TP HCM. Chị Yến là một trong số các nhân sự được tái cơ cấu khi doanh nghiệp trải qua 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. “Thiếu các đơn hàng, công ty vừa phải đối phó với dịch bệnh khiến tình hình tài chính càng khó khăn. Từ tháng 10/2021 khi TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới cũng là lúc phát sinh nhiều chi phí về nhân lực, vật lực để tái sản xuất, bố trí lại nhà xưởng” - chị Yến chia sẻ. Tương tự, trường hợp chị Đ.T.D (quận Bình Tân, TP HCM) nghỉ việc tại trường mầm non Cánh Thiên Thần (trụ sở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) vừa được giải quyết nhận khoản trợ cấp thất nghiệp 480.000 đồng/tháng (hưởng 10 tháng). “Tôi đã cống hiến hơn 10 năm nhưng do dịch bệnh nên phải chuyển đổi công việc. Không chỉ riêng tôi, nhiều giáo viên cũng đang thất nghiệp và chưa tìm được việc làm mới sau khi trường tái cơ cấu nhân sự” - giáo viên này tâm tư.

Tính đến cuối quý 3 năm nay, Bảo hiểm xã hội TP HCM đã chi gần 266 tỷ đồng cho hơn 95.300 lao động được hưởng mức hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng từ gói bổ sung quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 24. Dù vậy, các khó khăn của tình trạng thất nghiệp và người lao động mất việc làm vẫn diễn biến phức tạp. Có giai đoạn, chỉ trong 9 tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM báo cáo số liệu có gần 159.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp (mức tăng 24%). Trong khi đó, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã rà soát, giải quyết việc làm cho gần 173.000 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ làm mới từ đầu năm đến nay.

“Thách thức của chuyển đổi số và đà lạm phát đang tác động vào từng ngõ ngách của nền kinh tế đầu tàu cả nước, trong đó thị trường lao động, việc làm đang có những dấu hiệu ngày càng rõ ràng của sự chuyển dịch lao động và nhiều công việc chịu áp lực của việc đào thải tự nhiên do không còn phù hợp hoặc tạo ra năng suất thấp” - TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM (HASEM) nhận định. Cũng theo một nghiên cứu của Hội HASEM, không chỉ lao động phổ thông chịu tác động mạnh từ chuyển đổi số mà lao động có tay nghề, kỹ thuật cũng chịu sự đào thải do sự phát triển của kinh tế số và khoa học công nghệ.

Con số thống kê cho biết, đã có khoảng 2,2 triệu lao động rời các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Đại diện HASEM cũng dẫn một báo cáo mới nhất trong năm nay của Bộ LĐTBXH, cho rằng trong giai đoạn 2022-2025 sẽ tạo ra nhiều biến động trên thị trường lao động, việc làm và công nhân, người lao động được đặt vào lằn ranh thích nghi với chuyển đổi số hoặc phải chịu đào thải và thất nghiệp.

Chuyển đổi nghề, tái cơ cấu doanh nghiệp

Ông Trương Văn Quân - Giám đốc Công ty TNHH Điền Quân, một doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và thiết kế nội ngoại thất tại TP HCM cho biết, bắt đầu từ giai đoạn hạn chế di chuyển để kìm chế lây lan dịch Covid-19 (2020, 2021) doanh nghiệp này đã cơ cấu lại nhân sự, theo đó, chuyển đổi nhân viên trực dự án hoặc làm việc hành chính tại công ty thay bằng lực lượng có thể làm việc cơ động, đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc qua “chốt deal” online hoặc số lượng Cellphones hàng ngày. “Tôi cho rằng xu hướng tất yếu của chuyển đổi số sẽ đặt các đặc thù công việc vừa phải đủ kỹ năng phù hợp với công việc, vừa phải thích nghi được với các thay đổi của nền tảng số” - ông Quân nói.

Trong cuộc hội thảo với chủ đề “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên” diễn ra mới đây, TS Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng dự báo, chuyển đổi số nhà nước sẽ đặt các lao động trẻ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp vào những thách thức lớn của môi trường số, song đây cũng là cơ hội để người trẻ dẫn dắt trong lĩnh vực này. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên UB MTTQ TP HCM nhìn nhận, dân số TP HCM gia tăng từng ngày khiến đội ngũ công chức, viên chức có khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân cả nước. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chính là giải pháp duy nhất ít tốn nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính).

Về tác động của chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Chu Vân Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, bởi vậy, TP HCM xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và gắn với đánh giá kỹ lưỡng các tác động vào kinh tế, lao động việc làm để phát trển bền vững và xây dựng chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030. Trước mắt TP HCM sẽ chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Nhiều việc làm truyền thống sẽ biến mất

TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội HASEM cho biết, kết quả của chuyển đổi số sẽ làm mất đi một số nghề truyền thống nhưng lại tạo ra nhiều việc làm mới. Vấn đề chính của TP HCM là phải đào tạo lại, chuyển đổi nghề cho người lao động. Một số ngành nghề dễ dàng thích nghi và thu hút nhiều lao động trong 5 năm tiếp theo sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, hạ tầng số du lịch, khách sạn; chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao… Bên cạnh đó khối lao động phổ thông, các ngành nghề thủ công, nhân viên văn phòng, kế toán… sẽ bước vào giai đoạn thử thách khắc nghiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động trước thách thức chuyển đổi số: Thích nghi hay thất nghiệp?