Tinh hoa Việt

Chuyển đổi số trong báo chí: Chậm thay đổi sẽ mất độc giả

THƯ HOÀNG 18/06/2024 11:23

Bước vào thế kỷ 21, câu chuyện chuyển đổi số trong báo chí trở thành vấn đề được bàn luận rất nhiều. Nhất là khi mạng xã hội bùng nổ, thậm chí trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện, thì việc báo chí phải thay đổi, thích ứng là điều không thể bàn cãi. Bởi chậm thay đổi, đồng nghĩa sẽ đánh mất độc giả.

anh-thay-trang-2.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt tại không gian trưng bày của báo Đại Đoàn Kết ở Hội Báo Toàn quốc 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Cần thay đổi toàn diện hoạt động báo chí, truyền thông

Hiện Việt Nam có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hàng ngày. Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD, nhưng 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu. Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí, truyền thông.

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí, truyền thông nước nhà.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí, truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Cụ thể như: thay đổi mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông.

Ông Minh cũng cho rằng, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí, truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bắt đầu từ công nghệ hay con người?

Việc chuyển đổi số đã được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông tiến hành trong thời gian qua. Thực tế cũng cho thấy, nhờ thực hiện chuyển đổi số, hiện một số cơ quan báo chí đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, Đại Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các báo điện tử: VietnamPlus, VnExpress…

Điển hình là Báo điện tử VietnamPlus, có nhiều sản phẩm báo chí sáng tạo như video 360 độ, newsgame, RapNewsPlus giúp độc giả lựa chọn bài viết qua các sản phẩm sử dụng công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo. VTV cũng đã ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney gồm 7 chương trình được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng và 1 trang thông tin điện tử…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí hiện nay nhìn chung còn chậm so với xu thế chung. Một số cơ quan báo chí chưa xác định chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, do đó chưa quyết liệt triển khai. Giới chuyên gia truyền thông cho rằng, đi chậm trong chuyển đổi số không có nghĩa sẽ thất bại, nhưng sẽ mất đi độc giả, hay nói cách khác mất đi khách hàng. Nhiều độc giả trung thành có thể sẽ chuyển sang “trung thành” với cơ quan báo chí khác, khi họ có những hình thức tiếp cận công chúng thời 4.0 nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Các cơ quan báo chí đi sau cần tranh thủ kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đi trước để thực hiện hiệu quả hơn. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số báo chí còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những lãnh đạo cơ quan báo chí có kiến thức, hiểu biết về công nghệ, dễ dàng chuyển đổi số, thì nhiều cơ quan báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều thiếu kiến thức về công nghệ, không biết nên làm từ đâu, định hướng thế nào.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. “Nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình tòa soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ chủ thể số, nội dung số, công nghệ số, công chúng số, kinh tế số, hệ sinh thái số”, PGS Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Khi loay hoay rằng bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, như thế nào thì người đứng đầu cần quyết, cần thay đổi. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì chắc chắn việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả. Đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy; không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi số báo chí thì quản lý nhà nước về báo chí phải chuyển đổi số trước. Theo Bộ trưởng, phải đưa hoạt động của Cục Báo chí lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, trước đây, sức mạnh của báo chí là thông tin thì hiện nay sức mạnh của báo chí là tri thức. Báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức. Việc chuyển từ thông tin sang tri thức là một xu thế rất lớn và đây là bản chất của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số trong báo chí: Chậm thay đổi sẽ mất độc giả