Trong số gần 900.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động hiện nay, số DN tiếp cận với chuyển đổi số vẫn còn khá khiêm tốn. Nhiều DN cho biết, họ vẫn chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và đến thời điểm này vẫn chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu.
Chỉ một số ít doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số
Có thể khẳng định, đến nay chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Mặc dù chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của DN thế nhưng phần lớn các DN hiện nay vẫn chưa sẵn sàng với vấn đề này.
Theo Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, các chính sách, chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ. Đồng thời, đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho DN, cho chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho DN về chuyển đổi số… Nhờ đó, có hơn 13.800 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số; gần 400 DN được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số, 28 DN được đào tạo trực tiếp tại DN về chuyển đổi số.
Những con số nói trên nếu so với gần 900.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay thì vẫn là một con số hết sức khiêm tốn. Nhiều DN cho biết, họ hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của DN nói riêng, nền kinh tế nói chung, thế nhưng họ không biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu. Trong khi đó không ít DN bày tỏ họ chưa sẵn sàng với chuyển đổi số.
Mặc dù thời gian qua số DN sử dụng giải pháp chuyển đổi số cũng đã có chiều hướng gia tăng, song về số lượng và chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty CP MISA Trịnh Văn Biển, có hai khó khăn mấu chốt, cũng là điểm yếu với DN nhỏ và vừa, vốn chiếm hơn 97% tổng số DN ở nước ta, đòi hỏi cần tháo gỡ để thúc đẩy chuyển đổi số. Thứ nhất, theo ông Biển, dù DN đã nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, song mức độ áp dụng chưa đầy đủ, mới chỉ tập trung ở một phần trong hoạt động cốt lõi của DN. Chẳng hạn, DN thương mại dịch vụ mới chỉ tập trung chuyển đổi số ở quản trị tài chính hoặc bán hàng; DN sản xuất tập trung chuyển đổi số cho mảng sản xuất...
Thứ hai là vấn đề kết nối, liên kết trong chính nội bộ DN. Hiện các DN mới chỉ quan tâm đến việc mình có dữ liệu (về con người, hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính…) và phải bảo vệ nó để tránh bị lấy cắp, mà chưa nghĩ đến việc dùng dữ liệu đó để tạo ra giá trị, như làm tài sản để tín chấp vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, tính đồng bộ và liên kết trong các DN đang rất thiếu.
Khắc phục sự dàn trải chính sách
Giới chuyên gia đánh giá, thực tế, mặc dù đã có cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên chính sách vẫn khá dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Điều này khiến DN gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào.
Không chỉ dàn trải, các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong triển khai đổi mới sáng tạo hiện vừa nhiều, vừa thiếu. Bà Nga nêu rõ, nhiều nhưng lại lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến DN gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách này để tận dụng. Còn thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, có hệ thống bài bản để DN tiếp cận thuận lợi. “DN đang bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng biết cách nào để nhận được sự hỗ trợ này. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng bị đứt gãy do tình trạng cát cứ thông tin của các bộ, ngành” – bà Nga nói.
Để khắc phục những hạn chế trên, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức và hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Giới chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Các DN Việt Nam cần nỗ lực cho hành trình chuyển đổi số nếu không muốn tụt lại phía sau. Như nhận định của TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nếu Việt Nam không nắm bắt cơ hội này thì khó có những cơ hội khác bởi đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, nên cần “vừa làm, vừa chạy”, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện.
“Việt Nam có gần 900.000 DN đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2024 là 140 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi số, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 DN bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo khảo sát, đa số DN chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu. DN còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo” - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương thông tin.