Đó là nội dung được nhiều đại biểu tham dự tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong GDNN” nhất trí cao.
Sự kiện do Tiểu ban GDNN thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức sáng 30/11 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thiếu đồng bộ, vướng hành lang pháp lý
Phát biểu tại tọa đàm, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN nhìn nhận việc đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN Việt Nam được thực hiện trên cơ sở đánh giá thực trạng các yếu tố cấu thành lên hệ sinh thái chuyển đổi số trong GDNN bao gồm: Chương trình và nội dung đào tạo; phương pháp dạy và học; hạ tầng, nền tảng và học liệu số; nhà giáo, học sinh và sinh viên (HSSV); thể chế và hành lang pháp lý, quản trị và quản lý.
Khảo sát trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid 2019 tại các cơ sở GDNN cho thấy: có 69.5% số lượng giáo viên và 83.8% số lượng học viên trả lời khảo sát có tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy trực tuyến như Zoom, Google Meeting, Microsoft Teams. Có 69.8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến; tuy nhiên có đến 90.8% giáo viên tham gia khảo sát vẫn mong muốn được đào tạo, hướng dẫn thêm về giảng dạy trực tuyến.
Từ khảo sát này cho thấy, các cơ sở GDNN đã làm nhưng nhận thức không đồng bộ, một số nơi hiểu chuyển đổi số rất đơn giản, mới đơn thuần đưa bài giảng trực tiếp lên giảng dạy trực tuyến. Đối với hạ tầng nền tảng rất trăm hoa đua nở, không bên nào kết nối với bên nào. Từ đó, tính ưu việt nhất của chuyển đổi số là kết nối chia sẻ thì chưa tận dụng được. Bên cạnh đó, các nhà giáo còn thiếu kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình chuyển đổi số, đặc biệt thiếu kỹ năng phương pháp giảng dạy mới. Nhiều cơ sở và các tiêu chuẩn đặt ra vẫn tiếp cận theo hướng thầy trò, trường lớp trực tiếp nên dẫn đến việc quy định có bao nhiêu giảng viên/sinh viên, về thư viện bao nhiêu đầu sách… không còn phù hợp với dạy học trực tuyến (DHTT).
Đề án “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính vào tháng 12/2021.
PGS. TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá phần lớn cơ sở GDNN tiếp cận với DHTT chậm và lúng túng, dẫn đến việc hiểu chưa đúng về DHTT. Khảo sát năng lực DHTT của 100 nhà giáo GDNN trên toàn quốc thông qua kết quả thiết kế DHTT trên nền tảng Moodle cho thấy, hầu hết các thành tố năng lực của năng lực DHTT đều đạt ở mức trung bình và yếu, nhất là nội dung kiểm tra đánh giá và tương tác với người học.
Từ thực trạng này, PGS Hồng đề xuất mỗi trường, mỗi cá nhân nhà giáo cần xây dựng hệ thống quản lý học tập LMS song song với khai thác các nền tảng Zoom, Google meeting, ... Trong đó, sinh viên tự học trên nền tảng LMS chiếm phần lớn thời gian học tập trực tuyến. Nhà giáo cấu trúc các khóa học trực tuyến trên LMS để điều hướng hoạt động tự học thông qua các tài liệu học tập số, hoạt động luyện tập, kiểm tra –đánh giá và tương tác với người học. Hoạt động dạy học này diễn ra theo hình thức không giáp mặt. Trong môi trường Zoom hay Google meeting, nhà giáo chủ yếu hướng dẫn sinh viên học tập, trao đổi và khai thác bài giảng trên LMS; giải bài tập và định hướng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Thứ hai là xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực DHTT, trong đó chú trọng vào 3 nội dung: Năng lực khai thác nền tảng DHTT; Năng lực thiết kế và tổ chức DHTT; Đánh giá kết quả học tập trong DHTT. Theo thiết kế của PGS Hồng và các cộng sự, tổng thời gian bồi dưỡng 3 nội dung này là 32 giờ.
Phát triển từng bước bền vững
Khẳng định chuyển đổi số trong GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là giải pháp bao trùm trong quá trình đổi mới và phát triển GDNN, TS Bình cho rằng đây là yếu tố then chốt hình thành hệ thống GDNN mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và yêu cầu tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN phục vụ phát triển đất nước.
Yêu cầu đặt ra là chuyển đổi số phải đảm bảo đồng bộ, tổng thể và kết nối với quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động – việc làm – an sinh xã hội, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong và ngoài nước và chuyển đổi số các địa phương, bộ, ngành và của quốc gia.
“Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN gắn với tất cả các hoạt động của GDNN, trong đó kiến tạo thể chế và hành lang pháp lý phải đi trước một bước, lấy người học, cán bộ quản lý, nhà GDNN là trung tâm, phát triển cơ sở hạ tầng chuyển đổi số là nền tảng quan trọng” – TS Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số thành công cần huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN, người học và doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN. Nhà nước đảm bảo ưu tiên kinh phí cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN.
PGS. TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, ủy viên thường trực các tiểu ban cho rằng phải có 3 phân đoạn trong chuyển đổi số: thứ nhất là số hóa, chuyển tất cả những dữ liệu trong không gian thực thành không gian số. Thứ hai là thực hiện chuyển đổi số áp dụng không gian số cho từng đơn vị học, từng nhóm đơn lẻ. Thứ 3 là kết nối tất cả những điều này lại với nhau trở thành hệ thống số đồng bộ trong GDNN. Theo kinh nghiệm thế giới, nếu chúng ta chỉ sử dụng công nghệ nước ngoài mà không có cái riêng có của Việt Nam thì khả năng bị ngắt quãng và đổ bể là có thật. Vì vậy, cần nghiên cứu đặt nền móng riêng có của Việt Nam để phát triển bền vững.
TS Ngọc cũng lưu ý phải chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm ảo để giúp giải quyết bài toán thực hành của sinh viên. Bởi với GDNN, thực hành là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo của tất cả các cơ sở GDNN. Cần xây dựng các xưởng thực hành ảo để sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn khi học tập trực tuyến.