Ngày 2/4, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023 đã được công bố. Nhưng vấn đề đang được đặt ra là các địa phương chuyển mình như thế nào đằng sau những con số “biết nói” đó.
Chỉ số về bảo vệ môi trường thấp
Từ Chỉ số PAPI 2023 có thể thấy rằng, nếu như 2 chỉ số: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Quản trị điện tử” đều có sự cải thiện thì nội dung “Cung ứng dịch vụ công” và nội dung “Quản trị môi trường” hầu như không thay đổi. “Soi” vào thấy 4 chỉ số nội dung gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”; “Trách nhiệm giải trình với người dân”; “Thủ tục hành chính công” đều suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có sự quan tâm của chính quyền các tỉnh, thành.
Ví như vấn đề Quản trị điện tử và dịch vụ công điện tử năm 2023 thấy rằng, từ năm 2020 đến năm 2022, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và dịch vụ công trên môi trường mạng. Đặc biệt, qua khảo sát có 90,8% số người cho biết họ có điện thoại thông minh. Song điều đáng nói là mặc dù số người sử dụng mạng internet ngày một tăng nhưng tốc độ phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm hỗ trợ công dân thực hiện thủ tục hành chính công mọi lúc, mọi nơi còn rất chậm.
Đơn cử từ năm 2020 đến 2023, những người dùng các cổng dịch vụ công trực tuyến cho biết, họ tìm được thông tin và biểu mẫu để xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, số người đã thành công trong việc làm thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh vẫn còn rất thấp. Chỉ có khoảng 12% những người nộp đơn xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương có thể nộp trực tuyến. Tỷ lệ này với hồ sơ xin cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoảng 5%. Dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân xin cấp lý lịch tư pháp (do cơ quan tư pháp cấp tỉnh xử lý) là điểm sáng, với 28,7% số người đã làm thủ tục trực tuyến có thể nộp thành công qua cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Nhìn chung, người dân thành thị có trải nghiệm tích cực hơn người dân nông thôn khi sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Tỷ lệ người dùng cổng dịch vụ công cấp tỉnh tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM) cộng lại cao hơn tỷ lệ trung bình ở mỗi vùng kinh tế. Tuy vậy, phần lớn người dùng dịch vụ công trực tuyến ở 5 thành phố trực thuộc trung ương này vẫn phải đích thân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trực tiếp hoàn thiện thủ tục hành chính.
Điều đáng lo ngại chính là vấn đề về môi trường khi nội dung “Quản trị môi trường” phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, cũng như sự nghiêm túc của chính quyền và doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường thì tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc chỉ đạt dưới 4,3 điểm (dưới mức trung bình) trên thang đo từ 1-10 điểm, thấp hơn mức điểm cao nhất (4,73 điểm) của năm 2021. Năm 2023, mối quan ngại về môi trường vẫn tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp, bên cạnh vùng Tây Nguyên. Trong số 16 tỉnh thuộc nhóm “thấp”, có 6 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, 4 địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ và 4 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dường như có kết quả đánh giá khả quan hơn so với 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại, với 8 trong số 13 tỉnh, thành phố trong vùng thuộc về nhóm “cao”.
Việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và chất lượng nguồn nước sinh hoạt là lý do chính dẫn tới điểm số của các tỉnh, thành phố ở chỉ số nội dung này còn rất thấp. Có tới 20% số người trả lời ở tất cả các tỉnh/thành phố cho biết doanh nghiệp hoạt động ở địa phương họ sinh sống đã “chung chi” với chính quyền để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Cải cách hành chính đảm bảo sự hài lòng của người dân
Về Chỉ số nội dung “Quản trị điện tử” thì điểm yếu của các cổng thông tin điện tử của tất cả các tỉnh, thành phố là tính thân thiện với người dùng. Năm 2023, dưới 40% số người trả lời cho biết các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh dễ sử dụng. Tỷ lệ này thậm chí còn giảm ở 42 tỉnh, thành phố so với kết quả năm 2021.
Mặt khác, các cổng dịch vụ công cấp tỉnh chưa được nhiều người dân quan tâm sử dụng. Kết quả của 2 chỉ tiêu mới gồm “Tỷ lệ người trả lời cho biết đã sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của địa phương” và “Tỷ lệ người trả lời cho biết đã có thể thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của địa phương” cho thấy, ở tất cả các tỉnh, thành phố, chưa đến 17% số người làm dịch vụ hành chính năm 2023 đã nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh/thành phố. Ở 17 tỉnh, thành phố, chưa đến 5% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (thấp nhất ở An Giang, Bến Tre, và Tiền Giang). Trong khi đó, 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dùng từ 5% đến dưới 10%. Ở 15 địa phương khác, tỷ lệ này đạt từ 10,5% đến 16,5% (cao nhất ở Hà Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc). Trong số ít người dùng ở Hải Dương và Tuyên Quang, phần lớn cho biết họ đã có thể thanh toán tiền phí dịch vụ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, trong khi ở Gia Lai, Hậu Giang và Trà Vinh, chưa người dùng nào có thể thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến.
Theo TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, từ 122 chỉ tiêu cụ thể, chúng ta có thể nhìn vào và thấy rõ bức tranh để có những sự ưu tiên hơn về nguồn lực và nhân lực để xử lý, giải quyết các vấn đề mà người dân phản ánh, bức xúc nhất như công khai thông tin về đất đai, người dân đi làm sổ đỏ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, căn cứ vào các chỉ số PAPI là mối quan hệ của các cơ quan Nhà nước đối với người dân. Mỗi địa phương có kết quả khác nhau, chỉ số có thể cao - thấp nhưng có nhiều tiêu chí thành phần. Do đó các địa phương xem tiêu chí thành phần nào thấp như: mối quan hệ với dân, giải quyết dịch vụ công, phòng chống tham nhũng, có phục vụ dân hay không, hay là còn cơ chế xin - cho, chi phí hành chính như thế nào? “Từ đó các địa phương phải tìm ra được điểm yếu, nguyên nhân, và chấn chỉnh, cải cách các tiêu chí mà kết quả còn thấp khiến dân chưa hài lòng. Phải có biện pháp quyết liệt chỉ đạo để cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, làm sao đảm bảo sự hài lòng của người dân” - ông Dĩnh cho hay.