Người già và trẻ em là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do thời tiết, cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để phòng, chống những căn bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng.
Trước diễn biến nắng nóng phức tạp trên địa bàn miền Trung làm ảnh hưởng đến sức khỏe và phát sinh tật bệnh, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phóng vấn TSĩ Y khoa Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, những ngày qua nắng nóng gay gắt và dự báo còn kéo dài vậy các bệnh liên quan đến người già, trẻ em diễn biến như thế nào?.
TS Mai Văn Mười: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao bất thường khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng liên tục, đặc biệt là người cao tuổi, người già, trẻ nhỏ.
Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam thì có khoảng từ 550 đến 700 lượt khám/ngày, chủ yếu về các bệnh tim mạch,tăng huyết áp, hô hấp, tiêu hóa; trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi, mỗi ngày Khoa Khám tiếp nhận 150-200 lượt khám, cao hơn thời điểm trước đây, các bệnh thường gặp là các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp…
Nguyên nhân, do thời tiết nắng nóng làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó giúp các vi khuẩn gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, môi trường nhiệt độ thay đổi từ trong phòng lạnh có điều hòa ra ngoài đột ngột hay sử dụng thực phẩm không đạt chất lượng cũng là những nguyên nhân khiến trẻ phải nhập viện.
Thưa ông, những bệnh nào thường xuất hiện nhiều nhất?
- Một số bệnh thường gặp do thời tiết nắng nóng đó là: Mất nước và điện giải do thời tiết nắng nóng, đặc biệt nếu bị rối loạn tiêu hóa, nhất là nôn mửa, tiêu chảy do ăn uống không hợp vệ sinh hoặc thức ăn ôi thiu, tình trạng mất nước sẽ trầm trọng hơn.
Đối với say nắng thì sẽ gặp nhiều hơn ở người cao tuổi. Dễ bị rối loạn hệ thần kinh, hệ tim mạch bởi sự mất nước, chất điện giải nhưng khả năng tự điều chỉnh của người cao tuổi, trẻ em là rất khó khăn.
Người già còn dễ bị tăng huyết áp do lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc đang nóng đi vào phòng máy lạnh ngay hoặc đang nóng, ra nhiều mồ hôi tắm nước lạnh ngay); Tăng huyết áp đột ngột ở người cao tuổi xảy ra vào mùa nắng chiếm một tỉ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường...
Bệnh đường hô hấp do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý, nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng…
Vậy Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc chủ động cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thế nào?
- Sở Y tế Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, lưu ý hai đối tượng người già, trẻ nhỏ trong điều kiện thời tiết nắng nóng; chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong nhân dân, trên loa phát thanh; tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tăng số lượng bàn khám để giảm thời gian chờ khám cho bệnh nhân, tại các khoa điều trị nội trú trang bị đầy đủ hệ thống làm mát như điều hòa và quạt treo tường.
Cùng với đó chúng ta có đưa ra khuyến nào cho người dân không thưa ông?
Người già và trẻ em là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do thời tiết, cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để phòng, chống những căn bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng.
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng, người cao tuổi và trẻ em cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt; người cao tuổi mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... cần kiểm soát tốt bệnh; uống đủ lượng nước hàng ngày, không để tình trạng khát nước, cần có chế độ ăn uống phù hợp bổ sung nhiều rau xanh, củ, quả và tuyệt đối phải bảo đảm an toàn thực phẩm bảo quản thực phẩm đúng cách, không ăn đồ ôi thiu.
Đồng thời, khi nằm trong phòng có điều hòa, nên để nhiệt độ hợp lý. Để cơ thể thích nghi từ từ, trước khi ra khỏi phòng, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng gay gắt, người già, trẻ em cần hạn chế ra ngoài trời nắng vào những thời điểm nắng nóng gay gắt; trong khoảng thời gian từ 10h đến 17h là thời điểm tia tử ngoại hoạt động mạnh; nếu phải ra đường cần sử dụng ô dù, mũ, nón rộng vành, quần áo chống nắng đầy đủ nếu ra đường.
Đặc biệt, người cao tuổi cần duy trì thói quen khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời, uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh để tránh bệnh tái phát, nặng thêm. Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi, đi bộ vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi trời đã dịu mát.
Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên chủ quan với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi của trẻ và cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, điều trị.
Trân trọng cảm ơn ông!