Công chúng cần phân biệt được những nội dung nào là do cố tình làm sai, làm lệch để tạo sự chú ý. Từ đó có thái độ phản ứng rõ ràng, không đi theo trend, không ca ngợi hay lan toả thông tin xấu độc...
Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, thời gian gần đây nhiều hiện tượng mạng xấu xí, nhảm nhí được ra sức lăng-xê, thậm chí kiếm được thu nhập khủng dù không có bất cứ tài năng gì. Thực trạng này đang đặt ra nhiều lo ngại về việc định hướng và phát triển các giá trị văn hoá trong xã hội hiện đại.
“Công chúng giả” đằng sau những clip viral
PV Đại Đoàn Kết ghi lại ý kiến của TS Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về vấn đề này.
Theo chuyên gia xã hội học, một số hiện tượng mạng nhảm nhí xuất hiện càng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt dưới sự phát triển của mạng xã hội, nhất là TikTok. Một cá nhân với ngoại hình “xấu lạ”, hành vi lệch chuẩn dễ dàng trở thành xu hướng chỉ để mua vui rẻ tiền phục vụ sự tò mò của công chúng.
Sau những hiện tượng "giang hồ mạng" như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền,... hay Nguyễn Phương Hằng, sự xuất hiện của Thông Soái Ca tiếp tục gây bão cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, không ít trong số các hiện tượng mạng có sự xuất hiện của một nhóm người có tổ chức tương đối bài bản. Họ tạo dựng nên nhiều kế hoạch chi tiết, hình ảnh về một người nào đó với những đặc điểm đi ngược lại với vẻ đẹp truyền thống hay chuẩn mực văn hoá xã hội để làm định hướng truyền thông.
Những hình ảnh, hành động lệch chuẩn được đưa lên nhằm tạo ra hiệu ứng dây chuyền, kích thích sự tò mò, hiếu kì của công chúng. Đôi khi, nhân cách và hình ảnh của các nhân vật, hiện tượng mạng này chỉ là giả.
TikTok là nền tảng chủ yếu dành cho người trẻ với những video clip ngắn, có thể bị cắt xén rất nhiều…nhưng cũng là “miếng bánh” cho những lợi ích kinh tế khác.
Do vậy, dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện tưởng như vô lý của các hiện tượng mạng này đều có dấu ấn của cả một ekip hùng hậu đứng phía sau với nhiều kĩ thuật lăng-xê, truyền thông mạnh mẽ….
Hệ thống seeding hùng hậu, có thể dùng đến cả AI để thúc đẩy tương tác, tạo nên độ viral “ảo”. Có thể những con số hàng triệu lượt view mà chúng ta thấy chỉ là giả.
Ở đây có một điều rất nguy hiểm là các nhà mạng hay những đơn vị liên quan lại lấy dấu mốc của những lượt tương tác này làm cơ sở để trả tiền cho những video, nội dung sản xuất.
Hệ luỵ sau những chiêu trò truyền thông “bẩn”
Đánh giá về những hiện tượng này, chuyên gia xã hội học cho rằng, đây là những dạng truyền thông “cực bẩn” trong việc sản xuất nội dung. Sự can thiệp của con người và cả khoa học kĩ thuật vào quá trình truyền thông cho những nội dung lệch chuẩn, tạo ra những công chúng giả tạo. Những nội dung “rác” nhưng lại được tung hô bởi lợi ích của một nhóm người.
Hệ quy chiếu “nhiều người xem”, “triệu lượt view” trong khoa học nghiên cứu đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều giá trị chuẩn mực, nhiều người đồng tình, ca ngợi. Nhưng đối với những hiện tượng mạng này thì hoàn toàn ngược lại. Con số “triệu view” chỉ tạo ra hình ảnh những công chúng sai, công chúng lệch lạc.
Điều này càng làm thúc đẩy sự lệch chuẩn trong đời sống thực rất nhiều, làm giảm những giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục và các giá trị đạo đức trong xã hội.
Hệ luỵ để lại là vô cùng lớn, đặc biệt nguy hiểm đối với lượng công chúng trẻ đang trong quá trình hình thành tư duy và hệ giá trị của mình. Bởi chúng ta đang sống song song giữa hai xã hội, một xã hội thực và một “xã hội ảo”.
Trong khi càng ngày, “xã hội ảo” càng có vai trò lớn. Một vài nghiên cứu xã hội học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cho thấy, thời gian mà đối tượng thanh niên sử dụng và tương tác trên mạng xã hội tăng lên rất nhiều so với trước đây. Đó là còn chưa kể đến người lớn tuổi cũng dần tham gia rất nhiều vào “xã hội thứ 2” này.
Dù rất đỗi khó coi nhưng Luật An ninh mạng cũng khó có thể can thiệp vì hiện trạng này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và vấn đề trong xã hội. Những hình ảnh sai lệch nhan nhản xuất hiện khiến những người trẻ với trình độ và tư duy hạn chế khó có thể nhận biết, phân biệt đâu là thật - giả cũng như định hướng trong cuộc sống.
Không những vậy, nếu các dạng truyền thông bẩn này liên tục được phát triển không kiểm soát sẽ rất khó khăn trong việc định hướng xã hội phát triển một cách lành mạnh, bền vững cũng như phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc dân tộc trong tương lai.
Trong khi giá trị kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu thì những người làm truyền thông càng dễ đàng bán chất xám cho những dạng nội dung bẩn, rác… Vì những lí do về lợi ích, lợi nhuận nên những người làm nội dung lựa chọn việc “đi tắt” bằng việc đưa những hiện tượng mạng lệch chuẩn để thu hút công chúng.
Những người làm truyền thông cần tư duy “sạch” hơn, có những định hướng nghiêm túc và đúng đắn trong việc mang ảnh hưởng những nội dung của mình đến với công chúng và tác động xã hội.
Ngoài ra, đối tượng tiếp nhận cần biết tạo dựng “bộ lọc” thông tin của riêng mình. Cần phân biệt được những nội dung nào là do cố tình làm sai, làm lệch để tạo sự chú ý. Từ đó có thái độ phản ứng rõ ràng, không đi theo trend, không ca ngợi hay lan toả thông tin xấu độc…
Đặc biệt, lực lượng chức năng trong thời gian sắp tới sẽ cần can thiệp nhiều hơn vào vấn đề này, thậm chí có thể xây dựng những quy định mới với việc sản xuất nội dung và xác minh danh tính trên mạng xã hội.