Nhà sàn Bác Hồ nằm trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Bác Hồ đã ở và làm việc tại đây từ ngày 18/5/1958 đến 17/8/1969. Có những việc liên quan đến di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc gia này trước và sau khi Người qua đời mà đến nay ít được biết đến...
Nhà sàn Bác Hồ.
Chuyện thứ nhất: Chống mối
Cuối năm 1970, người viết bài này là một cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ mới ra trường được điều về Viện Công nghiệp rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT). Ngày ấy, một chủ nhiệm khoa của Viện là kỹ sư lâm sinh Nguyễn Chí Thanh được bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kèm theo chiếc xe máy Babetta. Một sự kiện rất được mọi người trong cơ quan quan tâm, vì vừa vinh dự được bằng khen của Thủ tướng lại được thưởng một hiện vật là của hiếm lúc đó. Sau lễ nhận bằng khen, chủ nhiệm khoa Bảo quản lâm sản Nguyễn Chí Thanh đã kể cho mọi người nghe về nghiên cứu ứng dụng của ông đã làm 2 năm về trước có được kết quả tốt, mà trước đấy ông và các cộng sự không được phép nói ra công khai. Đó là việc chống mối cho khu di tích Phủ Chủ tịch và Nhà sàn Bác Hồ.
Thế giới đã thống kê được khoảng 2.700 loài mối khác nhau, ở nước ta đến nay cũng tìm thấy trên 120 loài. Loài mối thường gặp phổ biến ở nước ta, là mối nhà, tên khoa học Coptotermes formosanus shis. Một nước nhiệt đới như nước ta khí hậu nóng ẩm có rất nhiều loài mối phá hoại nhà cửa, kho tàng. Mối là côn trùng sống theo xã hội, tổ ở sâu trong lòng đất có phân công cụ thể: mối chúa, đầu nhỏ như hạt gạo còn cái bụng lớn hơn hàng trăm lần chuyên làm nhiệm vụ sinh sản, mỗi lần đẻ hàng vài trăm trứng; mối thợ thì xây tổ và kiếm thức ăn, chiếm số đông, đây cũng chính là thủ phạm trực tiếp phá hoại trên mặt đất, chúng hoạt động âm thầm không ngừng nghỉ nên khi các kết cấu gỗ, vải, giấy... trong công trình bị hư hại nặng nề con người mới biết. Ngoài ra trong tổ còn mối lính chuyên bảo vệ và mối đực để giao phối với mối chúa.
Từ lâu, việc chống mối ở các nước nhiệt đới như nước ta là một nhu cầu cấp thiết cả trong sản xuất và đời sống. Nhưng việc chống mối ngày đó lại đơn giản, ít hiệu quả như đổ thuốc vào nơi mối xông; đào tìm tổ rồi phun hóa chất tiêu diệt, song tổ mối nằm sâu trong lòng đất vẫn sinh sôi phát triển. Kỹ sư Nguyễn Chí Thanh xuất phát từ nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài mối mà đề xuất phương pháp diệt mối tận gốc, vừa triệt để, không làm thay đổi hiện trạng công trình, lại rẻ tiền. Ông đặt tại các khu vực có mối những “mồi nhử” là các vật liệu thức ăn ngon để tập trung được nhiều mối tìm đến, rồi phun một loại thuốc bột lên chúng, các con mối không chết ngay mà chạy về tổ gây nhiễm độc cho mối chúa và cả tổ trong một thời gian ngắn. Nhờ sáng kiến này mà những năm đầu tiên áp dụng (1966-1967) Khoa Bảo quản lâm sản đã giúp cho nhiều kho tàng, công trình xây dựng trong và ngoài quân đội thoát khỏi họa mối một cách triệt để. Ngày đó khu vực Phủ Chủ tịch, bao gồm cả Nhà sàn Bác Hồ rộng hàng vài hec ta cũng đã bị mối tấn công ở nhiều nơi và nhà sàn của Bác làm bằng gỗ thường (Khi trao đổi với những người thiết kế, xây dựng Bác đã có ý kiến là “không xây to và bằng gỗ thường để đỡ tốn kém”) rất dễ bị mối xông. Đầu năm 1968, Văn phòng Chính phủ yêu cầu nhóm nghiên cứu của kỹ sư Nguyễn Chí Thanh chống mối toàn diện cho khu vực Phủ Chủ tịch. Ngày đó, công việc đã được triển khai một cách âm thầm và khẩn trương. Hiệu quả đến ngay tức thì, các tổ mối nằm sâu trong lòng đất đều bị tiêu diệt, bằng chứng là tất cả những nơi bị mối xông đều không thấy con mối sống xuất hiện. Công trình được bảo hành 3 năm, đến cuối năm 1970 thì đề tài chính thức được nghiệm thu, đánh giá “đặc biệt xuất sắc” (Và từ nhiều năm nay khu vực được chống mối ở Phủ Chủ tịch không thấy mối hoạt động trở lại). Cũng từ phương pháp “diệt mối tận gốc”, sau này kỹ sư Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thiện đề tài cả về lý thuyết cũng như thực tiễn, bảo vệ thành công học vị tiến sĩ sinh học. Rồi khi đã nghỉ hưu, ông tham gia ban chấp hành Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và là giám đốc sáng lập Trung tâm Phát triển công nghệ lâm sản có trụ sở chính tại 111 Láng Hạ, Hà Nội. Tại Trung tâm này trong suốt hơn 10 năm tồn tại vừa qua, lớp đàn em, con cháu của ông đã triển khai rất thành công trên diện rộng toàn quốc phương pháp diệt mối tận gốc, trong đó còn có nhiều cải tiến mới về thuốc cũng như quy trình công nghệ phòng trừ mối. Điều đáng nói nữa, phương pháp diệt mối tận gốc của ông dễ làm ít tốn kém đã nhanh chóng được xã hội hóa, ứng dụng rộng rãi trong cả nước từ ngày đó đến ngày hôm nay. Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh đã qua đời ngày 11/12/2006 tại Hà Nội, hưởng thọ 75 tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là “Vua mối” Việt Nam.
Chuyện thứ hai: Bảo quản và niêm cất Nhà sàn Bác Hồ
Nhân chứng cho sự việc này là thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Quỳ, nguyên Viện phó Viện Kỹ thuật quân sự; nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự; nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Nay ở tuổi gần 90, cụ Nguyễn Quỳ còn khỏe và minh mẫn, hiện nhà riêng ở phố Tô Vĩnh Diện, Hà Nội. Trong cuộc gặp gần đây với người viết, cụ nói: Đúng nửa thế kỷ trước, chúng tôi được cấp trên giao một việc “bí mật”, đó là bảo quản và niêm cất Nhà sàn Bác Hồ...
Sau ngày Bác mất (2/9/1969), Đảng và Chính phủ có chủ trương giữ gìn lâu dài hiện vật quý là nhà sàn Bác đã ở, làm việc trong nhiều năm liền và tại chỗ đó sẽ phục dựng theo nguyên mẫu một ngôi nhà sàn khác để mọi người đến thăm quan. Nhiệm vụ niêm cất, bảo quản được giao quân đội đảm nhiệm.
Thiếu tướng Nguyễn Quỳ sinh năm 1932, quê Phù Mỹ, Bình Định. Cuối năm 1954, bắt đầu thời kỳ hòa bình xây dựng trên miền Bắc, nhân chuyến sang thăm, làm việc tại CHDC Đức, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được bạn chấp nhận sẽ cấp 50 suất học bổng cho học sinh Việt Nam, để đào tạo thành tài về xây dựng đất nước. Ngày đó Nguyễn Quỳ đang học năm đầu trường sư phạm cao cấp của Khu Học Xá Việt Nam, tại Nam Ninh, Trung Quốc, anh được chọn sang Đông Đức, học Khoa hóa, Đại học Kỹ thuật tổng hợp Dresden. Tốt nghiệp, anh được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Đến đầu năm 1963 có bằng tiến sĩ điện hóa, anh trở về nước, làm việc tại Cục Nghiên cứu kỹ thuật, tiền thân của Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.
Cụ Nguyễn Quỳ nhớ lại: “Một ngày đầu năm 1970, lúc đó tôi là thiếu tá, trưởng phòng nghiên cứu hóa chất, được thượng tá Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự giao một nhiệm vụ quan trọng là bảo quản, niêm cất Nhà sàn Bác Hồ. Ngày tôi còn ở nước bạn, cũng đã có tìm hiểu và mang nhiều tài liệu về nước, chủ yếu là niêm cất bảo quản vũ khí, khí tài, việc bảo quản lâu dài một ngôi nhà gỗ dân dụng thì chưa được biết đến bao giờ. Tôi về bàn bạc kỹ với anh em trong phòng, đọc thêm tài liệu, rồi lập một nhóm chuyên đi vào xử lý chống mốc, mục, mọt cho gỗ, tre nứa, chống rỉ cho kết cấu sắt thép. Trưởng nhóm là thượng úy Nguyễn Trọng Vân, vốn là kỹ sư hóa cũng học từ Đông Đức về. Cùng thời gian đó, anh em công binh đã tiến hành tháo dỡ trước ngôi nhà và tháo dỡ đến đâu chúng tôi tiến hành phân loại, xử lý hóa chất các chi tiết và bộ phận kết cấu ngay đến đó. Có hàng nghìn chi tiếp bằng gỗ, tre và sắt thép. Rồi các chi tiết được đánh dấu và bọc kín nilông theo đúng quy trình niêm cất như với các vật tư, khí tài trong kho quân khí. Công việc này được làm tỉ mỉ, thận trọng theo từng bước, có nghiệm thu từng phần việc và được tiến hành trong vòng 2 năm, hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra”.