Chúng tôi gặp BS Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, khi ông vừa trực chiến trong bệnh viện trong 20 ngày, từ 30/1.
BS Nguyễn Trung Cấp.
BS Cấp chia sẻ, khi đang về quê ăn Tết thì ông nhận được điện thoại. Vậy là ông lập tức vào viện. BS Cấp chia sẻ: Thực ra, trước Tết khoảng 2 tuần, khi mà Trung Quốc thông báo về một căn nguyên viêm phổi mới ở Vũ Hán, chúng tôi đã bắt đầu thành lập những nhóm theo dõi sát các thông tin về diễn biến dịch bệnh và báo cáo tại các cuộc họp giao ban hàng ngày. Sau khi đã khẳng định được dịch có nguy cơ lan rộng và lây lan sang Việt Nam, chúng tôi tập trung vào tìm hiểu các nghiên cứu về dịch bệnh mới này của các đồng nghiệp Trung Quốc và thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đồng thời chúng tôi xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tạm thời rồi trình lên Bộ Y tế…
Sáng mùng 1 Tết, ông đã có bài viết “khai xuân” về virus này. Ngày mùng 2 Tết, ông đã có bài giảng đầu tiên để chia sẻ cho các tuyến dưới về một loại bệnh truyền nhiễm mới vẫn còn lạ lẫm với cả thế giới. Thông qua những bước ấy, các bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần đối diện với việc dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Cả bệnh viện hối hả chuẩn bị về hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, thực hành đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới…
Ngày mùng 6 Tết, khi có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhập viện, BS Nguyễn Trung Cấp quyết định cùng đồng nghiệp tự “cách ly” tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh), cùng chiến đấu vì sức khỏe người bệnh. “Nếu mình không ở lại khu cách ly, làm sao các bác sĩ khác yên tâm điều trị”- BS Cấp nói, và khẳng định, ông không thuộc diện phải cách ly, nhưng khi việc cấp bách đến, thì ông phải có những quyết định. Quyết định đó có thể khiến vợ con lo lắng, nhưng BS Nguyễn Trung Cấp lại hoàn toàn bình tĩnh. Trong cuộc chiến với virus corona, BS Cấp cần thêm những trợ lý có tay nghề thuần thục để thực hiện các thao tác quan trọng, tránh được nguy cơ lây nhiễm. “Vậy là tôi quyết định chọn một vị trưởng khoa và phó khoa ở lại để bảo đảm hạn chế tối đa người tham gia những kỹ thuật nguy hiểm”- BS Cấp tiết lộ, đồng thời giải thích: “Nếu bệnh nhân suy hô hấp, cần phải can thiệp như đặt nội khí quản. Khi đó, bác sĩ phải tiếp xúc gần với bệnh nhân nhất, có khả năng bị lây nhiễm bệnh cao nhất. Tôi và bác sĩ Phó khoa nhận nhiệm vụ này, đề phòng những diễn biến xấu về mặt sức khỏe của bệnh nhân. Đó là chiến lược bảo vệ an toàn cho nhân viên, cho cộng đồng và hạn chế thấp nhất số thiệt hại về ngày giường nằm bệnh và nhân mạng nếu có”.
BS Cấp cho biết thêm, trong chống dịch, điều trị là công tác cuối cùng. Quan trọng nhất là dừng để dịch vào Việt Nam và nếu vào Việt Nam, thì dự phòng có nhiệm vụ đừng để lan ra quá rộng, quá nhiều người bị mắc. Đó là hai việc quan trọng. Còn nhiệm vụ của công tác điều trị là cố gắng hết sức giúp bệnh nhân hồi phục, không để họ tử vong.
“Công việc chúng tôi phụ thuộc vào hai việc trước đó. Nếu công tác phòng dịch tốt chúng tôi không cần làm gì cả. Hiện nay, công việc dự phòng đang làm rất tốt, số ca mắc Covid-19 ít, nên bảo đảm điều trị tối đa. Nếu để lây lan bùng phát, bệnh nhân lên con số hàng nghìn, chắc chắn chúng tôi sẽ kiệt sức, chắc không thể tốt được”- BS Cấp chia sẻ.
BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, bộ phận y tế dự phòng trong thời gian qua đã thực hiện vô cùng hiệu quả, bằng chứng là chỉ có số lượng rất nhỏ bệnh nhân nhiễm Covid-19 (16 ca bệnh). Nhờ vậy, hệ thống điều trị cũng đáp ứng vừa sức nên đã đảm bảo được hiệu quả điều trị tối đa.
Bác sĩ Cấp thừa nhận, các bác sĩ trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân bị Covid-19 là đối tượng dễ bị lây nhiễm, và chẳng có thầy thuốc nào không lo ngại điều đó. Dù về mặt biện pháp bảo vệ ai cũng biết, nhưng nếu ở cường độ vừa phải, mọi người sẽ có thể tuân thủ việc tự bảo vệ bản thân. Nhưng tại Vũ Hán, khi bị quá tải, các bác sĩ kiệt sức vì mệt mỏi sẽ không thể tuân thủ các bước an toàn. “Thật may, đến lúc này chúng tôi không ai bị lây Covid-19”- ông nói, không giấu vẻ tự hào.