Chuyện thú vị ở xứ cồng chiêng

Nguyễn Quang Long 23/04/2017 16:20

Đồng bào M’Nông ở Jiê Juk, xã Đăk Phơi, huyện Lăk, cách TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) gần 100km có đặc sản cơm chua và nhà lợp cỏ gianh (nhiều nơi gọi là cỏ tranh) trùm từ đỉnh cho tới tận gần nền đất - gần như đống rơm ở làng Bắc Bộ. Những ngày ở Tây Nguyên, xuyên qua Gia Lai, Đắk Lắk đến với bốn dân tộc khác nhau, chúng tôi đã được ăn cơm chua, uống rượu với đồng bào Ba Na và Ê đê và được biết về loài chim Kơ-tia nổi tiếng trong âm nhạc.

Chim Kơ- tia.

Kơ-tia là chim gì?

Từ Hà Nội, chúng tôi không chọn lối rẽ Đà Nẵng, mà tới Bình Định rồi mới ngược lên Tây Nguyên, qua đèo An Khê, thấy cảnh sắc khác hẳn. Giữa không gian núi rừng nơi lần đầu đặt chân tới, hứng khởi tôi buột miệng hát: “Chim Kơ-tia bay tới, nghiêng cánh chào Đắckrông”!

Lập tức nhạc sĩ Lê Xuân Hoan ở Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai ngắt lời: “Chú có biết chim Kơ-tia không?”. Tôi đoán đó là loài chim thân thiết với đồng bào Tây Nguyên, chả thế mà lọt mắt xanh người lính Trường Sơn Tố Hải để rồi vang lên giai điệu phơi phới: “Chim Kơ-tia bay tới nghiêng cánh chào Đăkrông/ Pơ-lang khoe sắc thắm gió đưa hương đôi bờ/ Tây Nguyên ta uống nước/ Một nguồn nước Cách mạng, một nguồn nước Bok-Hồ…”

Anh Hoan cười và cho biết: “Nó chính là con vẹt. Dưới xuôi gọi là… con vẹt!”.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan nói thêm: Trước đây, Kơ-tia sống thành đàn, nhiều vô kể. Chúng có cách bay rất đặc biệt- vút lên cao rồi nghiêng cánh lao thẳng xuống đất, rất hùng dũng, đồng thời màu lông sặc sỡ khiến cánh lính trẻ thích thú và tạo nguồn cảm hứng thi ca. Mỗi lần nghiêng cánh là lúc chúng tìm thức ăn, mà Kơ-tia toàn ăn nông sản trên nương nên đồng bào không thích loài chim này, tìm đủ cách xua đuổi.

Nghe vậy nhà quay phim Hoàng Lâm (cháu nội nhạc sĩ Tô Vũ) kịp chế hai câu thơ con cóc: “Chưa đi chưa biết Tây Nguyên/ Đi rồi mới biết Kơ-tia là gì” rồi cười sảng khoái.

Cồng chiêng Tây Nguyên.

Vào xã Chư Ebur

Đón chúng tôi ở thủ phủ cà phê, nhạc sĩ Mạnh Trí- tác giả “Bài ca trên đồi”- một trong những bài “tủ” của ca sĩ Siu Black, dặn dò: Tiếp xúc với đồng bào Êđê, chớ nổi hứng nói rằng tôi thích lấy vợ Êđê mà phải nói là thích lấy con gái Êđê làm vợ. Nếu nói thích lấy vợ Êđê, chủ nhà lại tưởng khách thích lấy vợ mình, tất xảy ra xung đột”.

Nơi chúng tôi tới là xã Chư Ebur, ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, cuộc sống không tránh khỏi vòng cuốn đô thị hóa. Nhiều nhà mái bằng mọc lên, song, nhà dài và nhà sàn truyền thống vẫn được giữ. Già làng Y Thim cho biết: “Nhà mái bằng chỉ được xây ở bên cạnh chứ không được thay thế và phá nhà truyền thống”. Nhà Y Thim vẫn còn giữ được chiếc nhà dài Êđê.

Nhà dài phải có bậc thang đục từ thân cây, phía trên cùng đắp hai bầu vú (cũng bằng thân cây) rất đẫy đà, khi lên đến nơi hai tay phải chạm vào đó. “Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, việc làm cầu thang như vậy và đặt tay lên như vậy để tỏ lòng biết ơn mẹ, mong sự che chở của mẹ”- nhạc sĩ Mạnh Trí cho biết. “Nhân dịp các anh tới, mời dự một buổi thổi hồn cho chiêng”.

Nhạc sĩ Mạnh Trí giải thích, “thổi hồn” có cách gọi dân dã hơn là “chỉnh chiêng”. Đồng bào Tây Nguyên có nền văn hóa cồng chiêng rực rỡ nhưng lại không tự tay đúc chiêng, phần lớn chiêng được chuyển từ dưới xuôi lên, một phần từ Campuchia qua, theo đường buôn bán. Muốn chiêng trở thành nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần, tâm linh của buôn làng thì phải chỉnh chiêng để có những âm thanh phù hợp. Lễ chỉnh chiêng quan trọng nên được một số nơi gọi là thổi hồn cho chiêng.

Chiêng nữ.

Chiêng nữ, cơm chua và những chuyện khác

Một nét đặc biệt ở Tây Nguyên không nên bỏ qua đó là cồng chiêng Êđê nhóm Bih. Nơi duy nhất có dàn cồng chiêng do phụ nữ đánh nên còn gọi là chiêng nữ.
Tới buôn Trấp huyện Krông Ana, tận mắt thưởng thức chiêng nữ còn ngạc nhiên hơn, bởi trang phục truyền thống có những nét rất gợi cảm và hiện đại. Khác với trang phục phổ biến váy dài đến gần mắt cá chân và thường là màu chàm, phụ nữ Bih lấy màu đỏ làm chủ đạo, váy ngắn tới đầu gối. NSƯT Vũ Lân cho biết: Váy của phụ nữ Bih ngày càng ngắn là do đặc thù canh tác nông nghiệp vùng này. Nếu váy dài sẽ ướt, bất tiện mỗi khi xuống ruộng lúa nước.

Cách uống rượu của đồng bào Ba Na và Êđê cũng thật đặc biệt. Khách quý mới được đãi, và muốn được việc phải uống rượu, không bỏ dở. Cuộc vui quy mô nhỏ thì một ghé (giống bình rượu cần của đồng bào Mường, Tây Bắc), lớn thì hai hoặc nhiều hơn. Ghé cao cỡ 50 - 60cm, miệng nhỉnh hơn cái bát ăn cơm. Giữa miệng ghé có đặt cái que ngang. Già làng uống đầu tiên, sau đến khách, từng người từ cao xuống thấp theo tuổi. Trên tay già làng cầm mẩu tre nứa có khắc một dấu chừng gần hai đốt ngón tay. Già làng đưa que ngập đúng đến chỗ đánh dấu, bao giờ rượu trong bình cạn hết hai đốt thì người uống mới được thôi.

Đồng bào M’Nông ở Jiê Juk, xã Đăk Phơi, huyện Lăk, cách Buôn Ma Thuột gần 100km có đặc sản cơm chua và nhà lợp cỏ gianh (nhiều nơi gọi là cỏ tranh) trùm từ đỉnh cho tới tận gần nền đất - gần như đống rơm ở làng Bắc Bộ. Cơm chua là loại cơm nhão gần như cháo, để vào trong những quả bầu khô treo lên gác bếp.

Loại cơm này rất tiện, bọn trẻ con đang chạy nhảy nếu đói có thể chạy vào với quả bầu và tu một chút rồi lại chạy ra chơi tiếp. Cơm chua giờ ít người ăn hơn trước; nhà truyền thống M’Nông thì cả bản chỉ còn duy nhất một ngôi rất cũ. Một phần khiến nhà truyền thống không còn có lẽ do từ thời Pháp, với việc bạt đồng cỏ gianh trồng cà phê.

So với những nơi chúng tôi đã đi qua, người M’Nông ở Jiê Juk cuộc sống còn khó khăn, nhưng nhiều thiết bị nghe nhìn đã về, mang văn minh đến với bà con…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện thú vị ở xứ cồng chiêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO