“Người bên nước bạn Lào sang Việt Nam, họ cũng biết đi chọc sàn, bắt vợ... chọc mấy lần thế là ưng cái bụng, xin phép bố mẹ là cho về ở với nhau thôi”. Chuyện tình giữa Lục Thị Yến (43 tuổi, bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) với Lương Văn Ke (45 tuổi Phiềng Khạy, cụm Cum Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) cứ hồn nhiên như thế. Mối lương duyên của vợ chồng Yến là một trong nhiều cặp đôi khác ở vùng miền Tây xa xôi của xứ Thanh, đã nên vợ chồng.
Vợ chồng Lục Thị Yến- Lương Văn Ke.
“Đã yêu mấy núi cũng trèo”
Cữ nay vùng biên giới xứ Thanh trời vẫn còn rét ngọt. Khi mặt trời mới ửng hồng sau những rặng núi mờ xa, vợ chồng Yến - Ke đã tươm tất hành trang chuẩn bị lên rẫy.
Đùm xôi ghế sắn được Yến chuẩn bị đồ từ khi con gà gáy sáng lần 2. Chừng đó, Yến bảo “Đã đủ cho cái bụng 2 vợ chồng rồi”. Yến nghĩ, “mình đang còn cái sức, phải cố làm thêm nhiều rẫy ngô, rẫy sắn, nuôi thêm nhiều con gà, con lợn cũng như trồng nhiều cây xoan trên đồi để có tiền lo cho 4 đứa con ăn học, sau này còn lập gia đình”.
Chuyện tình của Ke và Yến cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng Việt - Lào khác. Họ đến với nhau một phần nhờ vào mối quan hệ gắn bó, khăng khiết đi lại thân tình bao đời nay giữa hai dân tộc.
Nhắc lại chuyện xưa, má Yến vẫn còn hây đỏ, sau những vết thời gian hằn trên khuôn mặt, ánh mắt Yến vẫn long lanh lắm! Yến nhớ lại. Hơn 20 năm về trước, Yến không chỉ là “bông hoa rừng” đẹp nhất nhì của đất bản Sáng mà còn là cô sơn nữ hay lam, hay làm.
Nhiều chàng trai bản Thái, Mông đeo đuổi, nhiều gia đình muốn bắt Yến về làm vợ, làm dâu con của gia đình. Thế nhưng, cái bụng Yến không ưng một trai bản nào! Cho tới khi bắt gặp cái nhìn như có lửa trong đêm và cái bụng thật thà, mạnh mẽ của Ke.
Ke vốn là một thanh niên trai bản Piềng Khạy, huyện Viêng Xay (Hủa Phăn - Lào) vạm vỡ, sức quật ngã trâu, lại chịu thương chịu khó. Trước, Ke lấy vợ và có với nhau 2 mặt con, như hạnh phúc đứt gánh giữa chừng.
Vợ Ke mất sớm vì bạo bệnh, để lại Ke một mình vất vả nuôi 2 con. Một hôm, nơi đầu con suối, Ke nghe hóng bên tai mấy câu tán gẫu của đám trai bản Sáng (người Việt) về “bông hoa rừng” tên Yến, và những kế hoạch, chiêu trò chọc ghẹo, chọc sàn… bắt vợ!
Tò mò về cô gái đẹp như những bông xoan rừng tháng 3 tinh khôi, trong trắng, Ke quyết định băng suối, vượt đồi tìm đến nhà Yến thử vận may chọc sàn tỏ tình.
Đang giấc ngủ, Yến tỉnh dậy với những tiếng thúc sàn nhè nhẹ. Yến tò mò ra nơi góc cửa ngó xuống thì mờ mờ thấy chàng trai vạm vỡ đang chằm chằm nhìn mình... Nhiều đêm sau nữa cũng vậy, Yến mủi lòng, cho Ke lên nhà nói chuyện.
Vừa ngồi bên vợ nghe chuyện, vừa tủm tỉm cười, rồi Ke cũng góp chuyện: Ngày ấy, để đến được nhà Yến, Ke phải vượt qua 2 ngọn đồi, lội 3 con suối, mất hơn nửa ngày đường mới tới”.
Có hôm Ke phải đánh vật cùng lúc 3, 4 trai bản. Họ ghét Ke vì đã ngắt mất bông hoa rừng đẹp nhất bản, nên thường xuyên tập trung đông để gây sự. Yến cũng vậy, luôn bị trai bản kèm cặp, muốn có thời gian bên Ke, nhiều hôm phải hẹn nhau nơi cột mốc biên giới 2 nước Việt – Lào để nói chuyện, 2 cái bụng mới đỡ nhớ nhau!... Yến bảo: Khi ấy, cái bụng ưng Ke thì ít thôi nhưng thương cho hoàn cảnh của bố con Ke nhiều như cây rừng nên Yến đã đồng ý để Ke bắt về bên kia nước bạn Lào làm vợ.
Sống với nhau được thời gian, bố Ke mất, Yến khuyên Ke chuyển về bản Sáng để tiện đường phụng dưỡng cha mẹ già của Yến và cũng thuận tiện cho việc phát triển kinh tế. Ke đồng ý. Hiện 2 đứa con lớn của Ke và vợ trước cũng cùng cha sang bản Sáng, còn 2 đứa con chung của Yến và Ke thì đang đến trường học con chữ.
“Bây giờ ở bên này, vẫn còn nhiều trai bản họ ganh tỵ lắm!”- Ke cười hồn hậu. Ke vui vì bên quê vợ, trồng cây ngô, cây sắn thuận lợi hơn ở quê Ke; đồ đạc mua sắm cũng dễ. Giờ Ke đã biết nói tiếng phổ thông của Việt Nam nhờ những lớp xóa tái mù chữ, biết đi cái xe máy để đưa vợ xuống thị trấn mua váy, mua vải!…
Những bản làng vùng biên nằm lẫn khuất trong triền đồi với những mối tình xuyên biên giới gắn tình đoàn kết Việt - Lào.
Gắn tình đoàn kết Việt - Lào
Không chỉ trường hợp của Ke là người nước bạn Lào lấy vợ Việt Nam và sang ở rể mà còn nhiều trường hợp người Việt lấy chồng, lấy vợ sang Lào sinh sống lâu dài.
Theo thống kê, tính riêng xã Quang Chiểu, số người Việt - Lào lấy nhau lên đến cả 100 trường hợp. Cán bộ tư pháp Hà Văn Do- xã Quang Chiểu chỉ tay vào cuốn sổ danh sách bảo: Đó mới chỉ là thống kê từ những năm 80 trở lại đây, còn trước đó thì nhiều vô kể. Lý do nhiều người Việt - Lào lấy nhau là do mối quan hệ thân tộc hai nước bao đời nay. Cùng chung ngôn ngữ (tiếng Thái), gần văn hóa nên gặp nhau “ưng cái bụng” là đồng ý về ở với nhau.
Những chuyện tình nơi miền biên viễn cứ hồn hậu như cây rừng đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, điều khiến nhiều cặp đôi phiền muộn nhất vẫn là thủ tục pháp lý, giấy chứng nhận kết hôn.
“Vì mình là người bên kia, về theo vợ qua bên này nên thủ tục phức tạp lắm, chưa đăng ký được! Cũng may, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để con mình có giấy khai sinh, được đến trường học con chữ, được hưởng các chế độ Nhà nước”- giọng Ke như chùng lại.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng huyện Mường Lát với 7/9 xã thị trấn giáp biên đã có hơn 300 trường hợp người 2 nước Việt - Lào lấy nhau chưa có đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên tập trung nhiều ở các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Tén Tằn…Để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng làm thủ tục đăng ký kết hôn, theo ông Trương Văn Bình- Trưởng phòng tư pháp huyện Mường Lát cho biết: Căn cứ vào Luật hộ tịch năm 2014, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định 1900/QĐ-UBND ngày 03/06/2016 giao thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam cho UBND cấp xã.
Giấy tờ bao gồm tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu (hai bên nam, nữ có thể khai chung vào 1 tờ); giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của nước láng giềng cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận công dân nước láng giềng hiện tại là người không có vợ hoặc không có chồng; bản sao giấy tờ chứng minh nhân dân, giấy tờ chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng; số lượng 1 bộ; thời gian giải quyết trong 03 ngày làm việc.
Tôi men theo dọc bình nguyên sông Mã về xuôi, khi những cơn mưa xuân đang đánh thức những mầm cây, cỏ căng tràn nhựa sống. Trước khi chia tay, Ke còn khoe với tôi rằng: Hai con chung với Yến, Ke đặt một đứa họ Lào, một đứa họ Việt để sau này lớn lên chúng biết rằng, chúng là minh chứng cho tình yêu đã vượt qua những lằn ranh để đơm hoa kết trái. Và chỉ vài hôm nữa thôi, vợ chồng anh sẽ xin phép chính quyền, vượt núi về bên kia, xin cho xong thủ tục kết hôn, để đời đời Ke gắn kết với mảnh đất tình người này.
Ông Vi Đức Toàn- Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Quang Chiểu nhận định: “Mối quan hệ giữa 2 nước Việt - Lào vốn thân tình, gắn kết như anh em từ bao đời nay. Ngoài giao thương về kinh tế, văn hoá, an ninh biên giới thì những mối tình xuyên quốc gia này đã và đang góp phần xây đắp mối quan hệ ngày càng khăn khít giữa hai dân tộc”. |