Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, năm học mới bắt đầu. Câu chuyện về kỳ thi THPT quốc gia cần phải thay đổi theo hướng nào để giảm thiểu tiêu cực, phản ánh đúng chất lượng giáo dục vẫn đang được các chuyên gia tiếp tục mổ xẻ, góp ý.
Ổn định kỳ thi đến năm 2020
Nói về các tiêu cực được phát hiện thời gian qua, PGS. TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc chấm sai theo hướng nâng điểm các bài thi ở một số địa phương là một hồi chuông về việc cần xem lại việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo hướng “2 trong 1” nữa hay không. Ngành giáo dục cần có cuộc tổng kết, rà soát xem kỳ thi này đã có những mặt tích cực và hạn chế gì. Bởi trên thực tế, việc nâng điểm này nhằm mục đích để các em tăng cơ hội vào trường ĐH top trên chứ không phải với mục đích để xét tốt nghiệp. Nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hiện nay là quá cao, không có nơi nào dưới 50%. Vì vậy, ông Dong đề xuất giao việc tổ chức và công nhận tốt nghiệp THPT về cho các địa phương.
Khác với quan điểm của ông Dong, GS. TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ GD- ĐT cần nghiêm túc rà soát kỳ thi THPT quốc gia, cân nhắc về các vấn đề đề thi, khâu coi thi, chấm thi. Nhưng nếu vì sai phạm, tiêu cực ở một số tỉnh mà hủy bỏ kỳ thi, để các địa phương tự công nhận tốt nghiệp thì với “bệnh thành tích, cục bộ” hiện nay, học sinh dù không cố gắng cũng vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp. Trình độ mặt bằng giáo dục chung trong cả nước sẽ không thống nhất.
“Kỳ thi không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông” – ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Về phía các trường, bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, nhìn nhận, nhất thiết phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi nếu không thì học sinh không học và rất khó để kiểm soát chất lượng.
Tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định sẽ tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020. Tuy nhiên, qua mỗi kỳ thi, đặc biệt là từ những sai phạm được phát hiện vừa qua, Bộ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và rà soát lại tất cả các khâu cả về kỹ thuật, con người…
Tự chủ ĐH: Không phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục Đại học quy định các trường tự chủ trong tuyển sinh. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho tất cả trường là trái luật và đi ngược với xu hướng của thế giới. Các trường ĐH hoàn toàn có thể tự tuyển sinh theo các cách khác nhau.
Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, theo lộ trình tự chủ ĐH, vai trò tự chủ của các trường trong tuyển sinh sẽ rất lớn. Thậm chí, ngay cả hiện nay những quy định của việc xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia cũng không còn có tính pháp lý. Đơn cử, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh đỗ phải học nguyện vọng cao hơn nhưng không quy định chỉ được học trường đó mà không được học trường khác, nên thí sinh có thể từ chối học và xét vào các trường khác theo một cách khác. Các trường có thể nhận thí sinh các đợt tiếp theo, mà đợt tiếp theo bộ không can thiệp.
Mặc dù hiện nay, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ bên cạnh các phương án tuyển sinh riêng của mình.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại cách hiểu về kỳ thi THPT quốc gia, không nên gọi đây là “kỳ thi 2 trong 1”, một kỳ thi hướng đến 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phải xác định rõ đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, còn sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh hay không là quyền của các trường ĐH.
Về vấn đề này, ông Dong cho rằng, nếu để tổ chức một kỳ thi mà các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển thì độ tin cậy của kỳ thi cần được đảm bảo. Đề thi cũng cần được phân hóa hợp làm căn cứ để tuyển chọn thí sinh chất lượng cao cho các trường ĐH chứ không thể năm quá dễ, năm quá khó như vừa qua.
“Thậm chí, quan niệm thi là gì, thi như thế nào cũng cần được xem lại. Rất nhiều việc cần điều chỉnh để hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc hơn. Bộ GD-ĐT cần hành động nhanh chóng, vì chỉ còn một tháng nữa là bước vào năm học mới. Thay đổi như thế nào cũng cần thông báo sớm cho học sinh và giáo viên kịp điều chỉnh”- ông Dong nêu quan điểm.