Chiều ngày 16/5, liên bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giảm đồng loạt nhiều mặt hàng xăng dầu. Trong đó, giá xăng RON95 giảm gần chạm mốc 23.000 đồng/lít.
Từ thực tế kinh doanh và giá xăng dầu thời gian qua, nhiều ý kiến chuyên gia đặt vấn đề: duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì? Đáng chú ý, lần đầu tiên nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu, trong đó có 2 "ông lớn" là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Lý do ngoài việc quỹ này không còn phù hợp với chu kỳ điều hành mới thì còn bởi các đầu mối xăng dầu đã phản ứng. Đại diện PVOil cho biết, DN phải làm bảng kê, báo cáo, kiểm kê rồi thanh tra, kiểm tra... Số lượng mà Petrolimex phải thực hiện rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Mỗi kỳ điều hành giá, DN lại hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ được sử dụng thế nào, trích ra sao?
Về phía người dân, rõ ràng không ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức "bỏ tiền ra cho người khác giữ" trong khi rất khó kiểm soát đồng tiền của mình được sử dụng ra sao. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm bỏ Quỹ BOG, vì một loại quỹ bình ổn được vận hành nhiều năm nhưng không thật sự giúp bình ổn được thị trường, nhất là thời điểm giá dầu thế giới lên cao.
Đáng chú ý, thực tế đã có nhiều DN vi phạm trong sử dụng Quỹ BOG. Cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 7/15 đầu mối sử dụng Quỹ BOG sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của DN, với số tiền lên đến 7.900 tỷ đồng. Đầu năm nay, Bộ Công thương lại có văn bản nhắc nhở 11 DN đầu mối như Nam Sông Hậu, Trung Linh Phát, Appollo Oil, Phúc Lộc Ninh... phải nghiêm túc gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề Quỹ BOG.
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức, nhiều ý kiến DN, chuyên gia cho rằng nên mạnh dạn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu do không phát huy hiệu quả, hoạt động thiếu minh bạch, nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường...
Kể từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập Quỹ BOG nhằm bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tiếp đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ BOG. Theo đó, từ ngày 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Mức trích lập sẽ được điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường.
Tuy nhiên, thời gian qua công luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ BOG. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số DN chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. Những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ, thương nhân đầu mối lợi dụng như: Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian vừa qua cho thấy điều đó.
Một lý do nữa, ông Long lưu ý rằng hiện thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước còn hơn 30 DN đầu mối, gần 400 DN phân phối và nhất là với sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy vai trò của công cụ Quỹ BOG không còn cần thiết như giai đoạn trước đây.