Chiều 11/7, UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng. Qua thảo luận nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với việc điều chỉnh cho phép Đà Nẵng được nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 40%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển của TP Đà Nẵng rất lớn và việc sử dụng nguồn vốn đầu tư huy động có hiệu quả với mức dư nợ từ nguồn vốn huy động theo quy định hiện hành không vượt quá 30% vốn đầu tư Chính phủ trình UBTVQH mức huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm khoảng 1.300 tỷ đồng thì TP gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện đầu tư các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Vì vậy Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 100%. Khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước mới.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, để tạo thuận lợi hơn cho Đà Nẵng trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thì cần tăng tính “đột phá” về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý.
Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết có một ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, TP vì sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương.
Ngoài ra, căn cứ vào quy định của Luật NSNN hiện hành và Luật NSNN năm 2015 thì chỉ quy định cho phép Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách.
Do đó, việc quy định đặc thù trong các lĩnh vực khác như quản lý đất đai cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về thẩm quyền, phân cấp quản lý.
Qua thảo luận nhiều ý kiến trong UBTVQH tán thành về mặt chủ trương, điều chỉnh cho phép Đà Nẵng được nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 40%. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nên áp dụng vào 1/1/2017 cho tương thích với Luật NSNN năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Trước việc nhiều ý kiến lo ngại nếu cho phép Đà Nẵng thì các tỉnh khác cũng đề xuất, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cơ chế chỉ áp dụng đối với tỉnh/thành có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị nên không ngại.