Được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020, nhưng “cô giáo Mường” Hà Ánh Phượng - người ưa thử thách và không khuất phục trước những khó khăn khi đã chọn gắn bó với mô hình lớp học xuyên biên giới của mình ở huyện vùng cao Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Mới đây, cô tiếp tục được vinh danh 11 giáo viên tiêu biểu của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện cô Hà Ánh Phượng là đại biểu Quốc hội khoá XV.
Lựa chọn trở về
Ngày 29/10 vừa qua, tại diễn đàn Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri lần thứ 4 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã vinh danh 11 giáo viên tiêu biểu của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), đã vinh dự nhận giải thưởng này. Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri năm nay được tổ chức nhằm tôn vinh các giáo viên xuất sắc ở Đông Nam Á, những người đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của giáo dục và con người, cũng như xứng đáng với sự công nhận quốc tế.
Cô Phượng chia sẻ: Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi là giáo viên duy nhất tại Việt Nam được nhận giải thưởng cao quý này. Và bất ngờ hơn nữa là tại diễn đàn, tôi được đích thân Công chúa Thái Lan lựa chọn là một trong hai giáo viên chia sẻ về kinh nghiệm và các kỹ thuật giảng dạy.
Cô giáo Hà Ánh Phượng sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cấp II theo học trường dân tộc nội trú huyện, cấp III học trường nội trú tỉnh và được nhà nước nuôi. Khi vào Trường Đại học Hà Nội Hà Ánh Phượng được miễn học phí cho đến lúc tốt nghiệp. “Khi ra trường tôi lại được đặc cách học Thạc sĩ… “Món nợ” ân tình ấy khiến tôi lúc nào cũng thấy đau đáu với quê hương. Cùng với giấc mơ trở thành cô giáo, tôi đã lựa chọn sự trở về”, Hà Ánh Phượng trải lòng.
Về trường THPT Hương Cần từ năm 2016, cô giáo Hà Ánh Phượng bắt đầu tìm tòi tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo của Microsoft và áp dụng “Lớp học xuyên biên giới” kết nối với lớp học ở các nước không quá chênh lệch múi giờ, để học sinh có thể trải nghiệm. Thành công và nổi tiếng với mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô giáo Hà Ánh Phượng đã giúp học sinh của mình giao lưu trực tuyến với bạn bè ở 40 quốc gia từ khắp các châu lục trên thế giới để nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Với mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô giáo Hà Ánh Phượng được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Theo cô giáo Hà Ánh Phượng, nhiều người cho rằng học sinh dân tộc thiểu số học ngoại ngữ là một thách thức, nhưng cô Phượng luôn có niềm tin ở các em. “Các em từ nhỏ lớn lên đã có 2 ngôn ngữ, nên đây chính là điểm thuận lợi cho các em chứ không phải nhược điểm. Từ bản thân tôi cũng là một ví dụ. Tôi thường không bị khuất phục bởi những khó khăn. Tôi nhận ra rằng mình đang truyền nguồn năng lượng tích cực cho các em học sinh, để các em hiểu rằng ở bất cứ nơi nào nếu các em có sự cố gắng thì ở đó sẽ có sự nở hoa”, cô giáo Phượng tin tưởng.
Nguồn động lực là học trò thành công
Với phương pháp học tiếng Anh ở “lớp học xuyên biên giới”, cô Hà Ánh Phượng cho rằng: Cách học tiếng Anh của tôi rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay, một tài khoản skype và tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu cùng với một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với hàng nghìn giáo viên, học sinh trên toàn thế giới.
Sau một năm học theo mô hình này, học sinh của tôi đã không còn rụt rè mà đã tự tin giao tiếp với những người bạn nước ngoài. Những tiết học tiếng Anh hiệu quả, học sinh được trải nghiệm và du lịch qua màn ảnh nhỏ. Một học sinh ở Mỹ, một học sinh ở Ấn Độ, một học sinh ở Việt Nam... Khác màu da, khoảng cách địa lý xa xôi nhưng có thể nhìn thấy nhau mỗi ngày, giao tiếp và kể cho nhau nghe những câu chuyện văn hóa, học tập và cuộc sống hàng ngày. Tôi luôn nhấn mạnh việc các em học hỏi được cái hay cái đẹp của bạn bè thế giới. Bên cạnh đó các em cũng phải quảng bá được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam với thế giới.
Cô giáo Hà Ánh Phượng tâm sự: Bản thân tôi cũng là học sinh người dân tộc thiểu số. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi rất hiểu các bạn ấy thiếu cái gì. Ví dụ, ngày xưa tôi chỉ ước ao được nói chuyện với bạn người nước ngoài, vì khi mình nói được thì mình có được cảm giác rất hạnh phúc. Với học sinh của tôi, khi được kết nối với bạn bè bằng tuổi ở các quốc gia khác nhau thì các bạn ấy thấy rất vui. Tâm lý học sinh là rất thích kết bạn với người cùng trang lứa của mình.
Quan điểm của cô Hà Ánh Phượng là xây dựng kỹ năng tự học với văn hoá chia sẻ là những thứ cô đã cố gắng để tạo dựng cho học sinh. “Những ngày đầu về dạy ở trường Hương Cần tôi chỉ mong lớp mình dạy có 1 đến 2 bạn đỗ đại học ngoại ngữ hay chuyên khoa ngoại ngữ tiếng Anh tại các trường đại học là tôi hạnh phúc lắm rồi. Nhưng tới khóa vừa rồi, rất nhiều bạn đã đỗ đại học ngoại ngữ, cũng như các chuyên khoa Anh ở các trường đại học. Có bạn còn đỗ cả Á khoa Trường Đại học Hà Nội nơi tôi từng theo học. Đó chính là những động lực để tôi luôn cố gắng”, cô Hà Ánh Phượng nói.