32% thí sinh trên cả nước dự thi THPT quốc gia năm nay chỉ để xét tốt nghiệp. Những thí sinh này nếu có nguyện vọng vẫn còn cơ hội vào ĐH, CĐ bằng con đường xét tuyển học bạ.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Rộng cửa
Thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 887.400 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này, có đến hơn 286.000 em chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ 32% (tăng 4% so với năm 2015). Số thí sinh thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ là gần 519.500 em, chiếm 59%, tương đương năm 2015. Số thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ là gần 81.800 em, chiếm tỷ lệ 9%, giảm 4% so với con số 13% của năm 2015.
Theo quy định, những thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không được dùng kết quả này để xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nếu các em có nguyện vọng vẫn còn cơ hội vào ĐH, CĐ thông qua học bạ THPT. Ngoài ra, một điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay là một số trường ĐH xét tuyển cả thí sinh tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức.
Theo Ban tuyển sinh trường ĐH Chu Văn An (TP Hưng Yên), năm nay trường cũng dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT, khoảng 400 em. Trong đó, thí sinh phải đảm bảo điểm trung bình học tập 03 môn học (theo tổ hợp môn xét tuyển) hoặc điểm trung bình chung các môn học lớp 12 (cuối khóa) không nhỏ hơn 6,0 (theo thang điểm 10). Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đến hết ngày 31/10.
Tương tự, trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh cũng có 2 phương thức xét tuyển là dựa vào kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển bằng học bạ THPT. Trong đó, học sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp ĐKXT theo tổng kết năm học lớp 12 ≥ 18,0 có thể nộp hồ sơ từ nay đến hết 30/10/2016. Điểm trúng tuyển căn cứ vào tổng điểm 3 môn xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có), lấy từ cao xuống thấp.
Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) cho biết sẽ chỉ tuyển thí sinh từ kết quả học bạ THPT với 1.000 chỉ tiêu. Điều kiện xét tuyển là tổng điểm trung bình của 3 môn xét tuyển và điểm trung bình học tập lớp 12 (ngưỡng xét tuyển từ 6,0đ) đối với trình độ ĐH và từ 5,5 đến dưới 6.0 đối với trình độ CĐ.
Những thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2016 của ĐHQG Hà Nội có thể sử dụng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Thủ đô, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Thông tin từ trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM sẽ dành 100 chỉ tiêu cho các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tham dự tại ĐHQG Hà Nội cùng với khoảng 250 chỉ tiêu, tương đươngn 10% xét học bạ vào các ngành, trừ 3 ngành thế mạnh thuộc nhóm công nghệ thực phẩm, sinh học.
Vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu?
Không chỉ các trường tư thục công bố xét tuyển bằng học bạ mà nhiều trường công lập cũng mở cửa với các thí sinh. Cụ thể, ĐH Lâm nghiệp năm nay sẽ xét tuyển không quá 40% chỉ tiêu dựa vào học bạ ở một số ngành do năm 2015, trường này chỉ tuyển sinh được 50% chỉ tiêu. ĐH Huế năm nay cũng có thêm phương án xét tuyển bằng học bạ áp dụng cho thí sinh xét tuyển vào một số ngành, phân hiệu, khoa của các trường trực thuộc như: Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, ngành kiến trúc của Trường ĐH Khoa học Huế.
Tại trường ĐH Thái Nguyên, bên cạnh việc tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, trường còn dành 10% chỉ tiêu đối với các ngành: Kế toán, Luật Kinh tế, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng và 30% chỉ tiêu đối với các ngành: Marketing, Quản trị Kinh doanh Du lịch và Lữ hành cho các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng học bạ.
Trường đã nhận hồ sơ từ 1-5 đối với các thí sinh này đảm bảo các điều kiện thí sinh đã tốt nghiệp THPT, hạnh kiểm cả năm lớp 12 đạt loại khá trở lên, tổng điểm 3 môn của 2 học kỳ lớp 12 không thấp hơn 36 điểm (3 môn theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển). Trong đó, điểm xét tuyển theo học bạ THPT là tổng điểm 3 môn của 2 học kỳ lớp 12 (3 môn theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển) chia 2 công với điểm ưu tiên. Riêng phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Lào Cai dự kiến sẽ dành 40% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT còn lại là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Theo lãnh đạo trường ĐH Nguyễn Trãi, cơ hội cho các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ năm nay khá rộng mở. Các thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ về các quy định chi tiết như ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu, chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành thế mạnh của trường... để đăng ký. Mỗi trường sẽ có các tiêu chí, điều kiện khác nhau. Phụ huynh và học sinh hoàn toàn có thể yên tâm dù thí sinh trúng tuyển vào trường theo hình thức nào, xét tuyển bằng học bạ hay bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội thì chương trình học cũng giống nhau.
Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc khó khăn trong tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trên cả nước trong bối cảnh thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay dẫn đến tình trạng ngay cả trường công lập cũng tính đến phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Mặc dù nhiều trường yêu cầu phải là học bạ không tẩy xoá, bản gốc có dấu đỏ nhưng với việc các trường thông báo phương thức tuyển sinh từ đầu học kỳ 2, dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng làm đẹp học bạ THPT?
“Ngay cả khi đã tuyển sinh bằng học bạ theo đúng yêu cầu của Bộ là điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.0 đối với hệ ĐH và tất cả thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đều đủ điều kiện xét tuyển vào hệ CĐ, tức là hệ CĐ sẽ không còn điểm sàn thì nguy cơ các trường không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn không hề nhỏ” - ông Trần Xuân Nhĩ cảnh báo.