Chiều ngày 20/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã dẫn đầu Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Quang cảnh buổi làm việc.
Cùng với lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo là các dịch vụ công ích quan trọng, cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và quản lý của nhà nước trong giai đoạn tới. Hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo công lập có tới hơn 1,2 triệu lao động- đông đảo nhất trong khối dịch vụ công.
Việc Ban chỉ đạo khảo sát, thảo luận tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và một số địa phương nhằm giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Trung ương thảo luận vào tháng 10/2017. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là cơ hội “chưa từng có” để ngành giáo dục đổi mới hệ thống và phát triển mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến của các Cục, Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội,… đều đồng tình cho rằng việc Trung ương sẽ ra Nghị quyết về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là cơ hội để ngành giáo dục sắp lại hệ thống, đổi mới hoạt động phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Trong thực tế những năm qua, cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, nhất là các cơ sở giáo dục đại học đã có bước đổi mới quan trọng, giúp thu nhập của người lao động tăng, có nguồn tiết kiệm để chi bổ sung cho đầu tư, phát triển. Việc tự chủ tài chính (tại 17 trường) đã góp phần sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết quan điểm của Bộ về quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức không phải để giảm biên chế hay tiết kiệm cho ngân sách mà là nâng cao chất lượng dịch vụ, tháo gỡ tắc nghẽn trong tổ chức, hoạt động của các đơn vị.
Ví dụ trong tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường Đai học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xắp xếp lại theo các cụm trường, đặt ở các vùng có nhu cầu nguồn nhân lực chứ không nhất thiết phải đặt trường ở từng địa phương. “Bộ đã xây dựng xong các quy chuẩn về thành lập các trường đại học cấp vùng và sẽ trình Chính phủ cho ý kiến”, Bộ trưởng nói.
Đối với vấn đề tự chủ hoạt động của các cơ sở giáo dục, Bộ sẽ đặt các trường, nhất là đại học trong môi trường cạnh tranh, có phân tầng, phân hạng đại học thông qua các tiêu chí kiểm định rõ ràng. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc áp dụng cơ chế tự chủ tại các trường phổ thông. Theo đó, tự chủ ở trường phổ thông có thể là phân cấp phân quyền cho nhà trường như việc nhà trường có thể chọn bộ sách giáo khoa để giảng dạy.
Từ việc các trường tư thục đã quản lý lao động theo hợp đồng hiệu quả, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị cần đẩy mạnh để các trường đại học, phổ thông tự chủ trong tuyển lao động, tự đánh giá cán bộ và tiến tới thí điểm tại một số trường ký hợp đồng lao động với giáo viên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc xây dựng Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, trong đó lưu ý sắp xếp các điểm trường ở khu vực miền núi với điều kiện tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được dịch vụ giáo dục.
Đối với công tác tự chủ, Phó Thủ tướng cho rằng không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính. “Cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa sao có thể tự chủ được mà vai trò của Nhà nước vẫn phải rất lớn trong đầu tư, phát triển giáo dục ở những nơi này. Không nên để những dịch vụ giáo dục, y tế là những lĩnh vực quan trọng, liên quan tới an sinh xã hội lại đi sâu vào kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Riêng về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cho rằng “càng tự chủ mạnh mẽ càng tốt”. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công (đối với các trường Đại học nghiên cứu khoa học cơ bản,… khó có thể tự chủ tài chính) hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công tới các cơ sở giáo dục đối với các dịch vụ giáo dục mang lại giá trị gia tăng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ như giao tài sản đất đai, cơ chế tín dụng phù hợp cho giáo dục đại học; chủ động sắp xếp lại lao động trên cơ sở bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện lại báo cáo theo hướng bám sát các nội dung về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp của Đề án.