Cơ hội đất Chín Rồng

Nguyên Khánh 01/10/2017 06:00

Tuần qua, hội nghị bàn kế sách phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham gia của các Phó Thủ tướng, hơn 20 Ủy viên Trung ương Đảng. Gần 1000 đại biểu là những chuyên gia đầu ngành lăn lộn với vùng đất này nhiều thập kỷ qua cùng sự có mặt của nhiều tổ chức quốc tế càng cho thấy tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề.


Hái bông súng mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Trần Trí.

Gỡ bỏ “ngôi vua” của cây lúa, chuyển từ cải tạo, đối phó với thiên nhiên sang thích ứng... là tư duy đột phá sau 2 ngày diễn ra hội nghị chưa từng có về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra cuối tuần qua.

Hội nghị bàn kế sách phát triển bền vững ĐBSCL đã chứng kiến sự tham gia của 3 Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 20 Ủy viên Trung ương Đảng… điều chưa từng diễn ra ở một hội nghị mang tính vùng.

Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam. Cùng đó, còn có gần 1000 đại biểu là những chuyên gia đầu ngành lăn lộn với vùng đất này nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, có sự góp mặt của rất nhiều tổ chức quốc tế đến từ Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… cùng nhiều đại diện các định chế tài chính quốc tế và tổ chức quốc tế là đối tác phát triển chính cho ĐBSCL như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại VN (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thì “chưa có Hội nghị nào mà càng đến trưa càng đông như hội nghị này”.

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây, vựa cá lớn nhất của Việt Nam mà còn phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phù hợp với điều kiện mới trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.


Sạt lở hiện là vấn đề nghiêm trọng ở Tây Nam bộ. Trong ảnh: Sạt lở bên sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang)­­­­­­­

Biến thách thức thành cơ hội
Muốn làm được như vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát triển của khu vực ĐBSCL cần theo hướng, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng.

Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa, sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Cùng với đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế.

Do đó, mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính chất liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách có tính chất không hối tiếc, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phải chú trọng và chủ yếu là giải pháp phi công trình...

Thực tế, để chuẩn bị cho hội nghị, tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hà Lan với một trong những mục tiêu lớn là tìm hiểu kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với đất nước xứ sở hoa tulip trong biến đổi khí hậu. Điểm đặc biệt nổi bật, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, là việc Thủ tướng đã đi thị sát bằng trực thăng tuyến đê biển và các công trình trị thủy nổi tiếng thế giới cũng như việc quy hoạch đồng bằng của Hà Lan.

Ngay trước khi chủ trì phiên họp toàn thể, chiều 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng ĐBSCL bằng máy bay trực thăng. Chuyến bay kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ cung cấp một góc nhìn trực quan đối với người đứng đầu Chính phủ trước những tác động ngày càng rõ nét của BĐKH, chứ không chỉ qua các con số từ báo cáo.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chúng ta cần hành động, không thể đẩy hết khó khăn của biến đổi khí hậu cho thế hệ tương lai.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì cảnh báo nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc giải quyết các vấn đề bền vững và thịnh vượng cho ĐBSCL là việc giải bài toán liên kết liên ngành, liên vùng trên cơ sở một quy hoạch tổng thể có đầy đủ các yếu tố, lĩnh vực. Có 5 điểm cần hết sức lưu ý trong rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch.

Thứ nhất, quy hoạch tổng thể ngành, địa phương phải đạt mục tiêu tiết kiệm, sử dụng hiệu quả cao nước ngọt và “chung sống” với nước mặn, nước lợ.Quản lý xâm nhập mặn, chứ không chống lại xâm nhập mặn, vì không cần thiết và không có khả năng chống lại.

Thứ hai, khi thực hiện các giải pháp công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu thì nảy sinh các yếu tố bất định. Do đó, trước khi làm một công trình thì phải tính toán lợi ích và các phí tổn của 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ ba, nước là vấn đề lớn nhất của đồng bằng.Quy hoạch sử dụng nước ở vùng sẽ tác động tới kết quả sử dụng đất và tác động tới đa dạng sinh học. Dù đã có quy hoạch sử dụng nguồn nước và sử dụng đất thì vẫn phải tiếp tục rà soát lại.Trong quy hoạch tích hợp và quy hoạch tổng thể cần quy hoạch nông nghiệp chất lượng cao, sử dụng ít nước. Rà soát lại quy hoạch xây dựng và không gian phù hợp, dành không gian cho con người với sông và biển.

Thứ tư, về nguồn lực cho vùng, không chỉ có nguồn lực tài chính mà còn có nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên của vùng. Trong bối cảnh thiên nhiên biến đổi, với tinh thần sẵn sàng sống chung, thì vùng phải coi nước mặn, nước lợ cũng là một nguồn tài nguyên.Thứ năm, phải huy động tổng thể các nguồn lực. Riêng đối với đầu tư công thì Chính phủ đã nhất trí ưu tiên đầu tư cho các dự án “không hối tiếc” và các dự án giải pháp nền phi công trình cho giai đoạn 2021-2025. Còn trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ sẽ căn cơ dành thêm vốn đầu tư công cho vùng.

Đặc biệt, cần khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó biến đổi khí hậu và các công trình “không hối tiếc” để chúng ta không phải hối tiếc khi đầu tư các công trình này và cũng để ngân sách Nhà nước không ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”. Khối tư nhân và cộng đồng dân cư vốn là những chủ thể năng động sẽ là lực lượng chủ yếu để thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tại vùng.

Chúng ta phải là những người hành động để giải quyết khó khăn, chứ không phải là những người thụ động trước khó khăn, thậm chí vì lúng túng trong giải quyết, có thể lại tự vác đá ghè chân. Như khuyến nghị của WB, Việt Nam cần “hành động không hối tiếc” vì sự liên kết, phát triển bền vững của vùng, với các dự án “không hối tiếc” về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL không phải là vấn đề mới nhưng diễn biến của nó đã ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn, đặt ra thách thức lớn chưa từng có cho vùng này trong vòng 8 nghìn năm qua. Chính phủ đang cố gắng tìm các nguồn vốn đầu tư khác như WB sẽ hỗ trợ ít nhất là 320 triệu USD, cộng với các nguồn vốn đầu tư trung hạn, cộng lại sẽ có ít nhất 1 tỷ USD cho ĐBSCL để xây dựng các công trình ứng phó với nhiễm mặn.

Cần xác định nguồn lực để phát triển bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn lực tài chính. Huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Thay đổi tư duy
Để phát triển bền vững ĐBSCL phải rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn (bao gồm cả trái phiếu chính phủ, ODA) chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc không có khả năng giải ngân để ưu tiên đầu tư cho một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc danh mục các dự án “không hối tiếc”.

Đối với giai đoạn 2021-2025, giải pháp ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án ưu tiên theo Quy hoạch tích hợp, “không hối tiếc”, các dự án sử dụng giải pháp mềm, phi công trình được đặt lên hàng đầu. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng với tư duy mới, tầm nhìn mới sẽ là cơ hội mới cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với GS Võ Tòng Xuân, một trong những tư tưởng cần đả phá mạnh mẽ nhất là khái niệm về an ninh lương thực. Tại sao chúng ta cứ phải khư khư trọng trách nặng nề là đảm bảo an ninh lương thực, trong khi, ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu? Và tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để xuất khẩu với giá rẻ trong hơn ¼ thập kỷ qua để giữ vị trí xuất khẩu lúa gạo thứ 2, thứ 3 trên thế giới? Rất nhiều người còn tự hào vì Việt Nam có sứ mệnh đảm bảo nguồn an ninh lương thực cho thế giới”…

Nhưng khái niệm về an ninh lương thực cần phải được mềm hóa. Trồng lúa giờ không nên ưu tiên nữa, chỉ trồng đủ ăn và dư ra 2 triệu tấn gạo là vừa, đừng ham dư 8-9 triệu tấn, vừa tốn nước vừa tốn tiền bơm nhưng tiền không được bao nhiêu. Cả nước chỉ cần khoảng 18 triệu tấn gạo thôi. Để đảm bảo an ninh lương thực, ĐBSCL chỉ cần trồng 1,5 triệu ha lúa/2,1 triệu ha, đồng thời giảm từ 3 vụ xuống còn 2 vụ, chứ càng trồng nhiều nông dân càng không có lãi.

Như vậy, việc vượt qua thử thách để ĐBSCL phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt ra một cách rất nghiêm túc. Hy vọng khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững cho dù khó khăn trước mắt vẫn rất lớn. Đó cũng chính là cơ hội cho sự đổi thay, phát triển bền vững của ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội đất Chín Rồng