Ngày Dân số thế giới (11/7) được tổ chức với chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ về một quyền cơ bản của con người – quyền được quyết định về sinh con, thời điểm sinh con và số lượng con cái, trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm.
Chủ đề năm nay không chỉ phản ánh những thách thức nhân khẩu học đang nổi lên toàn cầu, mà còn đặt ra yêu cầu cụ thể đối với công tác dân số tại từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, công tác dân số trong nhiều năm qua đã chuyển dần từ mục tiêu kiểm soát tốc độ gia tăng dân số sang nâng cao chất lượng dân số. Việc khẳng định quyền sinh sản như một quyền con người thiết yếu là bước phát triển tư duy quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính sách dân số quốc gia. Thay vì áp đặt hoặc khuyến khích theo khuôn mẫu cứng nhắc, hiện nay, truyền thông dân số hướng tới việc trao quyền, cung cấp thông tin chính xác và dịch vụ thuận lợi để người dân có thể tự đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Đáp ứng tinh thần của Ngày Dân số thế giới năm nay, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã đưa ra hệ thống khẩu hiệu truyền thông vừa có tính phổ quát, vừa gắn liền với thực tiễn trong nước. Những thông điệp như “Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”, hay “Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn”, đã chuyển tải rõ ràng định hướng mới: nhấn mạnh vai trò của từng cá nhân trong lựa chọn sinh sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội đối với chất lượng dân số và tương lai giống nòi. Việc kêu gọi “Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi” hay “Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên” cũng cho thấy quyết tâm của ngành dân số trong việc xóa bỏ những định kiến và hủ tục lạc hậu, vốn là nguyên nhân sâu xa của nhiều bất bình đẳng giới kéo dài.
Công tác dân số trong bối cảnh hiện nay không thể tách rời chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Các khẩu hiệu như “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới” và “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững” phản ánh sự gắn kết giữa dân số và phát triển. Một dân số khỏe mạnh, được giáo dục đầy đủ và sống trong môi trường xã hội lành mạnh chính là nền tảng cho sự thịnh vượng quốc gia.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa quyền sinh sản cho mọi người dân, nhất là nhóm yếu thế như phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số, người trẻ tuổi, cần có sự đầu tư đồng bộ hơn vào hệ thống y tế sinh sản, giáo dục giới tính, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và bảo trợ xã hội. Chính sách chỉ thực sự có giá trị khi đến được với từng gia đình, từng cộng đồng một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp.
Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm 2025 vì vậy không chỉ là lời hiệu triệu, mà là cơ hội để Việt Nam tái khẳng định mục tiêu dân số toàn diện, công bằng và nhân bản. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi kinh tế, công nghệ và biến đổi xã hội, bảo vệ quyền sinh sản chính là bảo vệ quyền lựa chọn tương lai của mỗi con người – và từ đó, của cả một dân tộc.