Theo Sở GD&ÐT Hà Nội, chậm nhất ngày 30/6 công bố kết quả thi tuyển lớp 10 cho hơn 93.000 thí sinh. Sẽ chỉ có 62% thí sinh đỗ các nguyện vọng (NV) trường THPT công lập.
Năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 93.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Theo chỉ tiêu, 122 trường THPT công lập, công lập tự chủ tài chính sẽ có khoảng hơn 60.000 thí sinh sẽ trúng tuyển. Đối với 102 trường tư thục và công lập tự chủ tài chính sẽ có hơn 25.000 chỉ tiêu trúng tuyển. Còn lại, khoảng 7.000 thí sinh có thể có nhiều lựa chọn khác nhau, vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên hay tham gia các trường học nghề.
Thực tế hiện nay vẫn nhiều phụ huynh vẫn có suy nghĩ trường công là sự lựa chọn tốt nhất và áp đặt tư tưởng ấy cho con mình. Có một số lý do khiến nhiều em học sinh không đạt đủ điểm vào các trường công lập như vì các trường đã lấy đủ chỉ tiêu, vì lực học chưa bằng các bạn, hoặc vì một nguyên nhân nào đó khiến bài thi không tốt. Tuy nhiên với sự phát triển ngày càng đầy đủ về các nghề các ngành, các cấp học theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học, việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi vẫn còn các mô hình đào tạo khác để học sinh lựa chọn.
Nếu phụ huynh muốn cho con học tiếp văn hóa thì có thể cho các em vào học các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn. Các phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu thêm về các nhà trường dân lập như học phí, chương trình đào tạo để xem có phù hợp với năng lực của con em họ hay không
Thực tế cho thấy, không ít trường THPT ngoài công lập vẫn có tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học công lập khá cao. Nhiều trường tư thục thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến.
Nhiều gia đình cũng đã lựa chọn cho con mình nộp thẳng hồ sơ vào trường ngoài công lập mà các em đã lựa chọn và tìm hiểu từ trước, phù hợp với sở thích của mình. Bên cạnh đó, vấn đề học phí của hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng cao hơn các trường công lập, đây là 1 trong những yếu tố khiến nhiều gia đình điều kiện kinh tế không dư dả cũng phải nghiên cứu, cân nhắc.
Một lựa chọn khác, các em học sinh có thể đăng ký học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Về nội dung chương trình không có sự khác biệt so với chương trình tại các trường công lập. Nhiều trung tâm cũng đã có sự thay đổi, nâng cấp phương pháp giáo dục đào tạo, để đảm bảo các em học tại trung tâm không bị chênh kiến thức so với các học sinh trường công lập. Kết thúc chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh chính quy, bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo.
Hiện nay phương án cho con em vào các trường nghề, cũng là nựa chọn không tồi nếu khả năng học của các em không thực sự tốt. Bởi lẽ, tốt nghiệp những trường này thí sinh đồng thời vừa được đào tạo văn hóa vừa được đào tạo nghề.
Tuy nhiên, do những ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên hiện nay, trường nghề chưa được cấp bằng văn hóa cho học sinh. Nếu muốn có bằng văn hóa, cơ sở dạy nghề phải kết nối với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì vậy, phụ huynh và các em học sinh cần tìm hiểu kỹ về chính sách cấp bằng của trường em định theo học.