Khác với sự phát triển với các bộ phim điện ảnh đạt doanh thu trăm tỷ đồng, hay hàng loạt sản phẩm phim truyền hình thu hút hàng triệu lượt xem, sự thành công của phim tài liệu Việt Nam đến nay chỉ là các giải thưởng. Điểm lại thành công của phim tài liệu Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chí ra rạp và có doanh thu đến thời điểm hiện tại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Băn khoăn nguồn thu
Một trong những phim tài liệu thành công có thể kể đến phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” ra rạp vào năm 2014 với 47 suất chiếu và thu hút hơn 30 nghìn khán giả. Tại thời điểm đó, con số này được xem là “kỳ tích” trong lịch sử điện ảnh Việt Nam về việc một bộ phim tài liệu được phát hành ở rạp – nơi vốn chỉ dành cho các bộ phim bom tấn nước ngoài, phim hài giải trí.
1 năm sau, bộ phim “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang được phát hành tại cụm rạp Platinum Cineplex, BHD Star Cineplex Hà Nội và TPHCM, nơi thường dành cho các phim bom tấn của Hollywood. Đặc biệt, dấu ấn đạt doanh thu tiền tỷ được ghi nhận khi bộ phim tài liệu âm nhạc “Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie” vào năm 2020 đã tạo được tiếng vang lớn khi ra rạp nhờ vào sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP. Phim thu về 11,6 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu và tính đến thời điểm hiện tại đây là phim có doanh thu cao nhất.
Mới đây, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã lọt vào “Shortlist” 15 bộ phim của giải Oscar. “Những đứa trẻ trong sương” đã đạt doanh thu 1,8 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước. Sau khi chiếu rạp, phim được tiếp tục phát hành qua mạng internet. Hiện các nhà phát hành quốc tế cũng đang hợp tác để đưa bộ phim vào thị trường toàn cầu…
Nhìn lại những dấu mốc nói trên, có thể thấy đây chỉ những điểm sáng “le lói”. Trên thực tế, hành trình ra rạp của phim tài liệu hiện nay là khá chông gai. Thời gian qua rất nhiều bộ phim dù được các nhà làm phim đầu tư công sức, thậm chí mất hàng năm trời sản xuất nhưng đều không đạt được những kết quả như ý. Đơn cử như các bộ phim “Chuyện ngày hôm qua”, “Những cánh én đầu tiên”, “Đáng sống”, “Đoạn trường vinh hoa”, “Màu cỏ úa”… dù được hỗ trợ về truyền thông, quảng bá nhưng vẫn khó tìm được chỗ đứng tại các phòng chiếu, hay tạo được sức hút trên các nền tảng truyền hình trực tuyến.
Nắm bắt thị hiếu của khán giả
Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, thể loại phim tài liệu, vốn được coi là có ý nghĩa kết nối, truyền cảm hứng, tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy tiến bộ xã hội, thì nay lại trở thành một sản phẩm thương mại, chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. Chính vì vậy, hiện nay các dự án phim tài liệu “ăn khách” của nước ngoài thường rút ngắn thời gian sản xuất, và các đề tài được chọn sản xuất thì ưu tiên “cướp, giết, hiếp” để hút khách. Cũng theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, để đáp ứng thị hiếu của khán giả, các nhà sản xuất phải coi phim tài liệu là một sản phẩm thương mại, giải trí, và thay đổi từ cách chọn đề tài.
Còn theo NSƯT Trịnh Quang Tùng -Phó Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương , từ lâu chúng ta đã có suy nghĩ rằng phim tài liệu kén khán giả, rằng đối tượng xem phim tài liệu đa phần là người có tuổi... Nhưng nay đã khác. Giờ đây nhiều bạn trẻ thích xem phim tài liệu, bởi họ tìm thấy ở đó sự chân thật, gần gũi với đời sống. Thậm chí, có bạn trẻ đam mê, tìm tòi cách làm phim tài liệu để tự kể về người thân, cuộc đời mình, những câu chuyện xung quanh…
Thực tế, quan sát tại các buổi chiếu phim, lứa tuổi khán giả đang dần trẻ hóa rất rõ rệt. Đó là tín hiệu đáng mừng và là nguồn động viên lớn đối với những người làm phim tài liệu. Đặc biệt, với những quy định tại Luật Điện ảnh mới, phim tài liệu sẽ ngày càng có định hướng tốt, dài hơi, thay vì trước kia chỉ định hướng đề tài cho từng năm.
Nhiều ý kiến đánh giá, trong thời gian tới phim tài liệu Việt Nam ngoài đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, hoàn toàn có cơ hội “lấn sân” có chỗ đứng tại các rạp hay các nền tảng truyền hình trực tuyến. Nhưng để làm được điều này ngoài việc hỗ trợ về kinh phí sản xuất, có được những đề tài, kịch bản hấp dẫn thì các nhà sản xuất cần phải “đánh đúng, đánh trúng” tâm lý, thị hiếu của khán giả.