Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: cơ hội và thách thức" diễn ra sáng ngày 26/7 tại Khách sạn Melia, số 44 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Chương trình do Báo Điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS).
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cho biết theo nghiên cứu của DTSI, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chuyển đổi cách thức tổ chức, thông qua việc áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn; Chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh; Chuyển đổi lợi thế cạnh tranh thành hành động bằng việc nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, không ngừng, nhanh chóng và hiệu quả; Chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động từ truyền thống công nghiệp sang kỷ nguyên số; Chuyển đổi cách vận hành từ quản trị công việc sang quản trị dòng thông tin; Chuyển đổi cách do lường hiệu quả công việc từ các chỉ số rời rạc, sang kết quả tổng thể của doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp hiệu quả tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số với các nội dung trên, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức: "Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.
Bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số với một đặc trưng quan trọng là sự chuyển đổi không ngừng và linh hoạt", ông Lê Trường Giang nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh "Agile" hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp.
Cũng trong chương trình, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital nhận định, trong bối cảnh mới, chuyển đổi số không chỉ còn là xu hướng tất yếu mà còn là vấn đề "sống còn" đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông Hậu, các doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế về bề dày lịch sử, mức độ hiện diện trên thị trường cao, cũng như có định vị ngành nghề ổn định và sự tích luỹ lâu dài để phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số.
Mặc dù được xác định là yếu tố "sống còn", các doanh nghiệp Nhà nước (có vốn Nhà nước) vẫn còn gặp nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của mình. Tại sự kiện, đại diện FPT Digital chỉ ra 3 thách thức lớn mà các doanh nghiệp Nhà nước thường gặp phải trên tiến trình chuyển đổi số.
Một là, quy mô lớn, được đầu tư khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, vận hành ứng dụng công nghệ mới.
Hai là, các doanh nghiệp mới tận dụng công nghệ mới, một cách linh hoạt, tập trung vào các khía cạnh một cách phù hợp dễ tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước.
Ba là, quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của IoT, Big Data, AI, Icloud đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước.
Do đó, Hội thảo về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp có thêm các tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số, hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới.