Trước sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều địa phương, đã có ý kiến cho rằng nên xét tuyển thay vì thi tuyển. Tuy nhiên, còn đó nỗi lo làm đẹp học bạ, học sinh không tự giác học nếu không có một kỳ thi sàng lọc…
Xét tuyển để giảm áp lực
Tỉnh Đồng Tháp thông báo, tỉnh bỏ thi tuyển lớp 10 năm học 2023-2024, thay vào đó là hình thức xét tuyển. Trong đó, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cuối năm của 4 năm học THCS và điểm ưu tiên. Riêng điểm trung bình cuối năm lớp 9 nhân hệ số 2.
Tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định xét tuyển lớp 10 áp dụng tại các trường THPT và Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Riêng trường chuyên kết hợp cả 2 hình thức xét tuyển và thi tuyển. Bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Vĩnh Long cho biết, hình thức xét tuyển lớp 10 mang tính ổn định, chắc chắn bởi đánh giá được cả quá trình 4 năm học của các em ở cấp THCS. Điều này sẽ tạo điều kiện để định hướng cho các em có thái độ, tinh thần học tập ở cấp THPT, đồng thời giảm áp lực thi cử cho phụ huynh, học sinh.
Đây không phải lần đầu tiên các địa phương quyết định không thi tuyển mà tổ chức xét tuyển vào lớp 10. Gần nhất, năm học 2021-2022, do dịch Covid-19 phức tạp khó để tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM đã chọn phương án xét tuyển vào lớp 10. Khi có điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, gần 250 phụ huynh ở TPHCM đã gửi đơn đến Bộ GDĐT, UBND TPHCM, Sở GDĐT TPHCM và nhiều lãnh đạo của thành phố. Lý do là vì 2/3 học sinh giỏi của 1 lớp ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa không đỗ vào lớp 10 ở 2 trường chuyên của thành phố theo hình thức xét tuyển. Những năm trước, tỷ lệ học sinh của trường đậu vào các trường, lớp chuyên theo hình thức thi tuyển luôn đạt hơn 90%, do chất lượng từ đầu vào năm lớp 6 đã được sàng lọc kỹ. Còn năm đó, tỷ lệ này có thể chỉ còn khoảng 30%.
Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng xét học bạ là giải pháp tình thế, không ai mong muốn trong bối cảnh dịch bệnh phải hoãn thi liên tiếp. Kết quả của việc thi tuyển hay xét tuyển đều khó có thể làm hài lòng tất cả, nhưng từ đây cũng cho thấy vấn đề trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh.
“Còn học bạ đẹp như mơ thì chưa thể bỏ thi tuyển”
Đây là khẳng định của GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Dong cho rằng khi không chung một đề thi, mỗi giáo viên đánh giá học sinh mỗi khác nên việc áp dụng học bạ để xét tuyển đương nhiên sẽ có độ vênh.
Từ năm học 2019 – 2020, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đã không còn áp dụng điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến... Nhiều ý kiến khi đó đã bày tỏ sự đồng tình với quy định này khi giúp giáo viên và học sinh phải dạy, học và thi thực chất thay vì trông chờ vào bảng điểm học bạ vốn còn nhiều sự chênh lệch trong một lớp, một trường, giữa các địa phương với nhau.
Theo ông Dong, một lý do nữa khiến chưa thể áp dụng việc xét tuyển vào lớp 10 ở nhiều địa phương, đó là do cơ sở vật chất để đáp ứng đủ chỗ học cho những học sinh có nguyện vọng theo học trường THPT công lập chưa đảm bảo. Việc thi tuyển sẽ giúp phân loại những học sinh phù hợp để theo học các loại hình học tập phù hợp khác, như học nghề, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường THPT dân lập… Bài học trong việc xét tuyển của TPHCM cách đây hàng chục năm đó là khi xét tuyển, nhiều trường THPT công lập nhận những học sinh trúng tuyển nhưng không đủ năng lực học tập. Sau một học kỳ, có trường tỷ lệ học sinh bỏ học vì không theo nổi chương trình lớp 10 lên tới 5-10%. Bên cạnh đó, với tâm lý thi gì học đó, nếu không có một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều phụ huynh, giáo viên cũng lo lắng học sinh sẽ lơ là việc học do chỉ cần sở hữu một bảng điểm khá là có thể đỗ vào trường THPT.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, rất khó để nói mô hình tuyển sinh nào tốt hơn khi điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi địa phương không giống nhau. Tuy nhiên, mục tiêu giảm áp lực thi cử cần được hướng tới ở tất cả các địa phương, các vùng miền.
Hàng năm, đâu đó đã có những trường hợp phụ huynh ở nhiều địa phương bức xúc vì giáo viên “gợi ý”, thậm chí ép học sinh không được thi vào lớp 10 do học lực yếu, làm ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển, xét tốt nghiệp THCS… Bộ đều chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất, nghiêm túc. Cùng với đó, làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường để đạt mục tiêu thực chất, không làm hình thức.
Theo quy định tại Thông tư 03 ban hành năm 2019 của Bộ GDĐT, tuyển sinh vào THPT sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Việc lựa chọn được giao cho UBND cấp tỉnh.